Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

TIẾNG SÚNG THẦN CÔNG TRÊN KỲ ĐÀI HUẾ



TIẾNG SÚNG THẦN CÔNG TRÊN KỲ ĐÀI HUẾ


   Hihi…trong nhà, mỗi khi tôi bắt đầu nói bằng “Ngày trước…” hay “Hồi xưa…” là các con tôi lại cười bảo:” Rồi, Ông già lại bắt đầu kể chuyện đời xưa…”. Vâng, ở tuổi tôi thì còn chuyện gì để nói? Tình yêu, sự nghiệp, tiền tài, danh vọng, bon chen, giành giật…? Có làm nỗi không? Không. Có thích hợp không? Không! Vậy thì tôi lại kể chuyện đời xưa, bạn nhé?
   Ngày nay, nhờ khoa học, kỹ thuật và kinh tế phát triển nên việc sở hữu một chiếc đồng hồ là chuyện giản dị. Một học sinh cấp một đã có đồng hồ đeo tay mang đi học, trong phòng đã có đồng hồ báo thức trên bàn. Người lớn có thể có nhiều kiểu đồng hồ khác nhau để thay đổi hằng ngày từ đồng hồ mạ vàng rồi mạ bạc, đồng hồ tròn, vuông…đồng hồ cơ, đồng hồ điện tử. Có thể kể thêm chiếc đồng hồ trong túi mỗi chúng ta trong các điện thoại di động mà hiện nay người VN ai cũng có(ít nhất một cái) từ trẻ chăn trâu, người Osin cho đến các quan chức, các đại gia. Thế nhưng hơn nửa thế kỷ trước dù đồng hồ đã phổ biến nhưng chưa là đại trà mà ai cũng có, nhà nào cũng có. Thuở ấy, các gia đình giàu có thì dùng đồng hồ quả lắc treo tường với các thương hiệu ODO hay WESTMINSTER ; các gia đình gọi là trung lưu (không phổ biến) thì dùng đồng hồ báo thức JAZZ hay đồng hồ gà mổ (trên mặt đồng hồ có hình gà mẹ đang mổ thóc cho đàn gà con). Nhưng ở thôn quê, cả làng mới có một, hai cái đồng hồ. Vậy thì người ta nhận biết các mốc thời gian như thế nào?
   Ngày xưa, người ta định các mốc thời gian một cách tương đối. Buổi sáng để đánh thức tôi dậy Bà nội tôi sẽ gọi: dậy đi, mặt trời mọc rồi. Làng tôi bên bờ sông Hương, hằng ngày có một chiếc tàu khách qua làng đều đặn khoảng 7 giờ sáng mà tiếng máy nghe xình xịch rất rõ, vậy là dân làng lấy đó làm mốc thời gian: ” 7 giờ rồi, tàu Ông Tí lên rồi tề.” Hay mặt trời lên hai sào :(cây tre để chống ghe đò hay phơi quần áo) chừng 8 giờ sáng, mặt trời đứng bóng :12giờ trưa.
      Thuở học trung học ở Huế, lũ học trò chúng tôi ,và nhiều người Huế cũng thế, buổi sáng đi học dựa vào tiếng súng thần công bắn từ kỳ đài Huế. Nếu tôi nhớ không lầm, phát súng này được bắn lúc 7 giờ kém 15. Tiếng súng trầm và ấm nhưng cả kinh thành Huế đều nghe thấy. Buổi sáng đi học, nghe tiếng súng mà chưa ra khỏi nhà nghĩa là hôm đó tới trường trễ; hôm nào đi sớm một chút qua cửa Ngọ Môn, nhằm khi súng bắn nhìn lên kỳ đài có thể thấy sau tiếng súng là một nùi rơm khô bay ra lả tả từ một khẩu thần công nhỏ trên kỳ đài. Tôi tin, không chỉ riêng tôi, những người học trò nghèo khó xứ Huế, rất nhiều người đã đi học dựa vào những tiếng súng ấm áp này.
   Tôi xa quê năm 1972, đã bốn mươi năm không còn được nghe tiếng súng trên cột cờ Huế. Vả lại ,sau 1975 tiếng súng thần công trên kỳ đài Huế đã không còn. Người xa quê như tôi rất tiếc và thấy nhớ tiếng súng thần công trầm ấm ngày nào. Để tìm lại chút kỷ niệm xưa, người Huế hoài cổ như tôi, hằng năm vào dịp Tết Nguyên Đán có thể về Vũng Tàu để xem nghi thức bắn súng thần công cổ của Chương Trình Khai Hội Văn Hóa Du Lịch Bà Rịa-Vũng Tàu. Dân từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận hằng năm về thành phố du lịch này dự lễ hội rất đông. Nhưng tại sao một thành phố du lịch như Huế lại bỏ qua một truyền thống mà tôi nghĩ sẽ rất hấp dẫn du khách nều chúng ta tổ c hức hằng ngày và bài bản hơn?