Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

CHÁU NGOẠI CỦA TÔI

CHÁU NGOẠI CỦA TÔI

   Đầu năm chẳng biết viết gì. Thôi thì có đôi nét sơ lược về hai cháu ngoại của tôi. Bởi vì khi hằng ngày trông thấy nhau mình là ông ngoại không nghĩ rằng sẽ có khi mình nhớ chúng đến thế. Tết này, ngay từ ngày mồng 2 ,hai cháu theo bố mẹ đi du lịch ở Nha Trang mãi cho đền mồng 7 mới trở về. Những ngày đầu vắng hai cháu chưa thấy có thiếu thốn điều gì. Nhưng từ ngày thứ ba ông bà ngoại mới bắt đầu thấy nhớ tiếng nói, tiếng cười và cả những tiếng khóc thường là vì giành nhau đồ chơi hoặc cái ipad, iphone…Ông bà ngoại đi ra, đi vào nhớ các cháu và dù đã biết trước ngày về của các cháu cưng nhưng hễ nghe tiếng tiếng rì rì của động cơ xe hơi là cứ tưởng các cháu đã về trước ngõ!
   Đây là hai cháu ngoại của tôi, đều là gái.
   Cháu lớn ở nhà thường gọi là Kitty ,Tết năm nay được 8 tuổi, đang học lớp 2 tại một trường tiểu học ở Q1. Cháu đang học thêm Anh văn ở Hội Đồng Anh ,lớp toán Kumon và Âm nhạc ở nhà. Cháu là một Ấu sinh của Hướng Đạo VN từ đầu năm cháu vào học lớp 1. Mấy năm trước cháu rất kén ăn và ăn rất chậm nhưng sau hơn một năm tham gia phong trào Hướng đạo cháu đã có chuyển biến tốt: ăn nhiều và nhanh hơn ,thức ăn cũng đa dạng hơn từ cá, thịt cho đến rau xào, rau luộc. Cháu rất thích ăn cơm với canh chua, cá chiên, cánh gà chiên và tôm rang. Đăc biệt không bao giờ cháu ăn loại thức ăn mà các bạn ở lứa tuổi cháu rất thích là kẹo và bánh ngọt. Dù đã có tiến bộ nhưng cháu vẫn còn hay chọc ghẹo em và chưa biết nhường nhịn em.
   Cháu nhỏ có tên gọi ở nhà là Hê ra ,đang học lớp Mầm mẫu giáo. Có lẽ vì là “con rạ” nên dù còn nhỏ nhưng cháu ăn nói rất khôn ngoan và có vẻ sâu sắc hơn chị mình. Cháu ưa diễn tả tình cảm của mình bằng ánh mắt, nét mặt…,những điều mà chị nó không biết tới. Cháu chưa tỏ rõ có một năng khiếu nào. Đặc biệt cháu ăn cơm rất chậm, ưa ngậm mà không nuốt. Mỗi bữa ăn của cháu mất gần cả giờ đồng hồ và chỉ có bà ngoại của cháu mới đủ kiên nhẫn để bón cơm cho cháu. Cả nhà ai cũng lo là không biết cháu ăn uống thế nào khi ở trường. Tuy vậy, khi gặp những món ăn ưa thích cháu vẫn có thể ăn nhanh dù cay, dù nóng như ốc, hến, hột vịt lộn…!
Kitty

    Ngày nào ông bà ngoại cũng rước cháu học về. Mấy năm trước là rước Kitty nhưng nay cháu đã học tiểu học nên mẹ cháu trên đường đi làm về ghé trường rước cháu. Ông bà ngoại chỉ đến trường đón cháu Hê ra thôi. Hehe…
Hê Ra

  

Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

DỠ CHÀ ĂN TẾT



              DỠ  CHÀ  ĂN  TẾT

   Mình dân miền trung về miền Tây,năm đầu tiên, những ngày gần Tết nghe các anh, chị đồng nghiệp ở địa phương hỏi nhau: năm nay ngày nào thầy dỡ chà; hồi nào bên cô tát mương; hồi nào bên thầy tát đìa…mình chẳng có khái niệm nào hết! Đến khi mục sở thị mới hiểu câu hỏi hôm nào, mới thấy  thiên nhiên miền Nam phong phú ưu đãi bà con mình ra sao.
   Chà (ở Huế gọi là chuôm) là một đống cành cây người ta cắm xuống sông để dụ cá, tôm vào ở. Vị trí chất chà rất quan trọng vì nếu chọn vị trí không thích hợp: nước cạn không sâu,không xoáy…sẽ không có hoặc có ít cá đến sinh sống. Đây là công việc của những “lão nông tri điền”. Chất chà xong người ta thả vào đấy một ít lục bình để tạo “bóng mát” làm chỗ tin cậy cho cá. Thỉnh thoảng người ta cũng vãi vào đống chà một ít cám rang dụ cá. Thường người ta chất chà khoảng 6,7 tháng trước Tết.
   5 hoặc 3 ngày trước Tết người ta bắt đầu dỡ chà. Đây như một ngày “hội vui” trong xóm. Từ sáng sớm các thanh niên bắt đầu dùng lưới vây kín xung quanh đống chà. Quan trọng nhất là lưới phải luôn luôn sát đáy sông để cá không sổng ra được, công việc nặng nhọc này được giao cho những thanh niên bơi lặn giỏi. Vì lúc này đã giáp Tết nên khí hậu miền Nam cũng se se lạnh, những người thợ lặn này chuyên lặn hụp lại càng lạnh hơn, vì thế lâu lâu họ phải lên bờ chiêu một ngụm rượu đế hay uống một ít nước mắm cho ấm người. Quây kín bãi chà xong người ta bắt đầu nhổ những cành cây đã cắm xuống làm chà và chuyển ra khỏi bãi . Đống chà do đó có diện tích càng lúc càng nhỏ và tay lưới vây quanh cũng theo đó thu hẹp dần chu vi. Khi bãi chà không còn cây chà nào, mất chỗ sinh sống và cư trú quen thuộc cá bắt đầu tìm đường tẩu thoát bằng cách nhảy ra khỏi lưới. Nhưng khó thoát vì con cá nào nhảy qua được lưới thì cũng lọt vào một trong những chiếc xuồng của bà con trong xóm đã chờ sẵn bên ngoài. Theo qui ước, cá nhảy vào xuồng ai là của người đó vì con cá đã không thuộc chủ đống chà. Khi mà trong lưới đụng đâu cũng có cá, người ta bắt đầu dùng vợt hay rỗ thưa xúc cá đổ vào thùng, vào khạp đưa lên bờ. Ở đây, cá được phân loại. Cá trắng như mè dinh(vinh?),thác lác và tôm càng xanh là những loài dễ chết được để riêng ăn trước hoặc cho, biếu. Cá đen là những loài cá mạnh như lóc,trê. rô dễ nuôi, khó chết sẽ được chia cho anh em, bà con đến làm tiếp. Những con cá này sẽ được rộng(nuôi nhốt) trong lu, trong thùng và sẽ được dùng dần trong mấy ngày Tết. Mỗi lần dỡ chà ngày xưa có khi bắt được cả trăm ki lô cá hoặc hơn!
   Nói thì rất ngắn gọn nhưng dỡ đống chà xong cũng đã 4 hay 5 giờ chiều. Mồi đã có, mua về vài lít đế nữa là tới bến!
   Ở miệt vườn miền Nam,Tết vui hơn ở thành phố vì trái cây, mồi nhậu luôn có sẵn, không khí trong lành ,yên tỉnh ta đi nhà nào cũng có cá lóc rộng trong lu, trong khạp, muốn nhậu là có cấp kỳ: nướng trui cuốn bánh tráng thôi. Dễ ợt!!!


Nướng trui cá lóc

      Cá lóc nướng trui, bánh tráng, rau sống. Xin mời