Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

VÔ CẢM !

        CẢM !


 Chuyện xảy ra cũng đã gần hai năm, định viết đã lâu nhưng so sánh câu chuyện của mình với nhiều chuyện về sự vô cảm của con người trong cộng đồng, trong xã hội bây giờ,qua báo chí, qua báo mạng, thấy chuyện của mình chỉ là “nhỏ như con thỏ” nên đâm ra ngại viết. Thế nhưng câu chuyện nhỏ đó lâu lâu lại ám trong tâm trí tôi và những khi đó tôi như đánh mất lòng tin của mình về lòng tốt, lòng tương trợ giúp đỡ những người đang cơn khó khăn,nguy biến của con người trong một xã hội ngày càng thưc dụng, chỉ biết giá trị của đồng tiền và vật chất mà quên đi những lề thói đạo đức truyền thống của Tổ Tiên như:”Thương người như thể thương thân”, đừng làm cho người điều mà mình không muốn người làm cho mình…
   Hồi đó, cháu Hê ra, cháu ngoại của tôi, mới chừng tuổi rưỡi. Một sáng tôi xách chiếc Wave chở cháu đi chơi. Chiếc xe này của tôi là xe “chuyên dụng” để phục vụ các cháu đi học, đi chơi nên trang bị thêm một cái ghế đằng trước khi các cháu còn nhỏ, thậm chí ngày nay dù Hê ra đã ngoài ba tuổi cái ghế ấy vẫn còn. Rất cẩn thận, trước khi đi tôi còn dùng một chiếc nịt bằng vải nịt hai ông cháu vào nhau. Bây giờ tôi không còn nhớ tại sao nửa đường tôi muốn dừng xe dưới bóng râm của một cây bên đường, cách một trạm dừng xe bus chừng 3m, không hơn. Đoạn đường này có một lề đường bằng đá khá cao chừng 30 cm. Tôi nghĩ khi xe sắp dừng tôi sẽ chống chân phải vào lề đường và dừng hẳn lại. Nhưng ma quỹ xui thế nào, tôi đã chống chân hụt và hai ông cháu cùng chiếc xe ngã nghiệng vào lề đường! Lúc đó, một mình tôi không đứng dậy được vì chân phải bị chiếc xe đè lên, tay phải tôi ôm cháu Hê ra sợ cháu ngã ra đất! Tôi chỉ còn mỗi tay trái để vẫy, để ngoắc và miệng thì kêu cứu để nhờ giúp đỡ! Nhưng tôi càng kêu cứu, cháu Hê ra càng sợ hãi nên la khóc càng to. Thật là xui tận mạng, hai người khách đang ngồi chờ xe bus đang nói chuyện điện thoại và không hiểu sao lại nhìn về phía tay phải của họ, nghĩa là ngược hướng xe bus sẽ đến nên không thấy hai ông cháu tôi đang cần giúp đỡ. Tôi lại nhìn sang bên kia đường vừa la vừa vẫy tay cầu xin sự giúp đỡ. Con đường Nguyễn Duy Trinh ở Q2 này nhỏ thôi, chỉ có hai chiều ngược nhau cho xe cộ lưu thông. Nhưng tôi thật thất vọng, hai nhân viên bảo vệ trước đại lý của hãng Yamaha, đồng phục đàng hoàng, đứng khoanh tay trước ngực nhìn sang hai ông cháu tôi đang nằm bên đường mà không có một cử động nhỏ! Tôi lại quay nhìn sau lưng mình để chờ mong sự giúp của những người sẽ chạy xe đến, thế nhưng phải đến người thứ ba mới dừng lại để kéo hai ông cháu chúng tôi lên! Và người này, một thanh niên, đã thốt lên một câu làm tôi mát dạ và an ủi tôi phần nào:” Bác có sao không? Bác có cần cháu đưa bác và em bé về nhà không?” Tôi cám ơn người thanh niên tốt bụng vì tôi chỉ trầy chân sơ thôi, có thể về nhà mà không cần sự giúp đỡ nào khác.
   Phải ba tháng sau “tai nạn” này cháu Hê Ra mới dám lên ngồi xe của ông ngoại và tôi cũng rất buồn vì thấy sao mà con người vô cảm trước những khổ đau, khó khăn…của đồng bào mình đến thế!!! Làm phúc, việc nghĩa trong những trường hợp này có tốn kém tiền bạc gì đâu?

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

CỔ HỌC TINH HOA

    

      Tuần này mình rất bận nên xin copy vào đây hai bài học xưa cũ trong Cổ Học Tinh Hoa để các bạn đọc thư giãn mà ngẫm nghĩ cũng được.


LỢI MÊ LÒNG NGƯỜI 

Nước Tống có kẻ mất cái áo thâm . Anh ta ra đường tìm . Thấy người đàn bà mặc áo thâm, níu lại đòi rằng:"Tôi vừa mất cái áo thâm, chị phải đền trả tôi cái này". Rồi cứ giữ chặt cái áo không buông ra nữa . 

Người đàn bà cãi:
"Ông mất áo thâm, tôi biết đấy là đâu ? Áo tôi mặc đây là áo của tôi, chính tôi may ra" . 

Anh kia nói:
"Chị cứ phải đền trả áo cho tôi . Cái áo thâm tôi mất dầy, cái áo thâm chị mặc mỏng . Lấy áo thâm mỏng của chị đền áo thâm dầy cho tôi, còn phải nói gì lôi thôi nữa !"

Tử Hoa Tử

CHÚ THÍCH: Nước Tống là một nước chư hầu thời Xuân Thu sau phải mất nước, bị Tề lấy mất, ở vào huyện Thượng Khưu tỉnh Hà Nam (TQ) bây giờ .


LỜI BÀN: Mất áo trong nhà mà ra đường tìm, đã là chuyện buồn cười . Mất áo đàn ông mà đòi áo đàn bà lại là chuyện buồn cười . Mất áo thâm dầy bắt đền áo thâm mỏng mà cho là phải, lại là chuyện buồn cười nữa . Ôi cái lợi nó làm cho lòng người mê muội, chỉ biết có mình, không biết có ai, chỉ vụ lợi cho mình mà quên cả phải trái . Kẻ nào đã vụ lợi như thế , thì cái gì mà chẳng dám làm , cái gì mà chả dám nói ! Than ôi ! Cái đời kim tiền bây giờ biết bao nhiêu phường đòi áo như người nói trong chuyện này .



BẮT CHƯỚC NHĂN MẶT

Nước Việt có nàng Tây Thi nổi tiếng đẹp một thời . Nàng có chứng đau bụng, mà khi nào đau, ôm bụng nhăn mặt thì lại càng đẹp lắm .

Có người đàn bà ở cùng làng thấy mặt nhăn mà đẹp, muốn bắt chước, về nhà cũng ôm bụng mà nhăn mặt . Người làng trông thấy, tưởng là ma quỷ, nhà giàu thì đóng cửa chặt không dám ra, nhà nghèo thì bồng bế vợ con mà chạy trốn .

Trang Tử


CHÚ THÍCH: Tây Thi hoặc còn gọi Tây Tử là người con gái nước Việt ở thôn Trử La, làm nghề dệt vải, cha thì bán củi . Nàng nổi tiếng đẹp, sau vua nước Việt là Câu Tiễn vì thua nước Ngô, đem nàng hiến cho vua Ngô là Phù Sai .
Trang Tử sách của Trang Chu soạn, đến đời Ðường gọi là Nam Hoa chân kinh, Trang Tử, học đạo Lão Tử, sau người ta vẫn xưng Lão Tử với Trang Tử là tổ của Ðạo Gia .

LỜI BÌNH : Chỉ biết nhăn mặt là đẹp, không biết nét mặt phải thế nào thi nhăn mặt mới đẹp, thực là đáng tiếc ! Kẻ quên phận mình, chỉ muốn bắt chước người thì có khác gì người xấu muốn bắt chước nàng Tây Thi nói trong chuyện này không ? Ôi ! Bắt chước là một cái hay, nhưng nếu không chịu suy nghĩ cứ nhắm mắt bắt chước liều, như con lừa thổi sáo, con nhái muốn to bằng con bò, thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ, chẳng những không được lợi gì mà lại thiệt đến thân .