Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

TÔI ĐI HỌC (tt)


        TÔI  ĐI  HỌC     (tt)


Trường Hải Diên Thanh là một trường quê nghèo, cách nhà tôi chừng 3 km, có 5 lớp nhưng ở 3 khu vực rải từ đầu đến cuối làng Hải Trình. Đầu làng, mượn nhà liêu của đình làng, có 2 lớp Hai và Ba. Cuối làng, mượn nhà dưới của một nhà thờ tộc của một họ trong làng làm lớp Một. Ở giữa làng là khu chính bố trí hai lớp Nhì và Nhất. Hai lớp này cùng học trong một nhà dài, quay lưng với nhau, ngăn lớp này và lớp kia bằng một bức màn đen và mỏng. Học bên này cứ nghe thông thống tiếng Thầy giáo bên kia giảng bài, học sinh ca hát…Trước khu vực này là một cái sân chơi nhỏ, nằm cặp con đường làng bằng đất và ngoài kia là con đầm dự trữ nước cho nông nghiệp dài từ làng tôi xuống đây và còn dài thêm vài cây số nữa, bề ngang  chừng 50m. Giờ chơi, chúng tôi ít khi chơi ở đây vì quá nhỏ mà thường sang chơi bên sân nhà thờ họ Hồ bên cạnh rộng và phẳng. Ngay ngày đầu tiên đi học, ra chơi ở sân này tôi suýt bị thằng Bốn đánh vì vẻ trắng trẻo, đẹp trai của con nhà thành thị. Thằng Bốn nổi tiếng du côn ở trường, lưu ban lớp Năm và lớn hơn tôi 2 tuổi. May mà có mấy thằng bạn cùng làng nhảy vào can và chạy vào “méc” thầy tôi. Thế nhưng chừng ba hôm sau, thằng Bốn phải theo mẹ  lên nhà tôi xin lỗi vì mẹ nó gọi ba tôi là anh, bà con chú bác ruột, và theo vai vế nó phải gọi tôi là anh! Từ đó thằng Bốn không bao giờ nhìn đến tôi và tôi được thoải mái học hành và nô đùa trong ngôi trường làng nghèo vì chẳng còn ai ăn hiếp tôi nữa!
     Lớp tôi có chừng ngoài 40 học sinh và được thầy chia làm 5 đội. Một đội nữ, 4 đội nam  là học sinh từ 4 làng đến đây theo học. Thầy chia như thể để chúng tôi có điều kiện sinh hoạt và học tập theo nhóm được thuận lợi. Lớp Bốn là Liên đội Bạch Đằng với bài hát Bạch Đằng Giang của Lưu Hữu Phước. Lớp Năm là Liên đội Lam Sơn với bài hát Nước Non Lam Sơn. Tên và bài hát của liên đội tùy học sinh chọn theo một số gợi ý của giáo viên chủ nhiệm. Cả hai bài hát này rất hay. Trước mỗi buổi học, học sinh phải đứng nghiêm hát Liên đội ca với sự dẫn giọng của lớp trưởng. Theo tôi, đây cũng là cách dạy lịch sử, hun đúc lòng yêu nước  cho các học sinh nhỏ tuổi.
    Dù là một trường làng nghèo nhưng hồi đó ít học sinh nên chúng tôi được học ngày hai buổi. Mỗi năm học mỗi học sinh chỉ phải nộp 3 đồng gọi là tiền Sinh hoạt hiệu đoàn. Sách giáo khoa gồm 5 cuốn: Toán, Quốc văn, Khoa học thường thức, Lịch sử và Địa lý. Những quyển sách này học sinh tự sắm hay có thể mượn của anh em hay bà con đã học những năm trước.Một tuần học năm ngày, thứ Năm và Chủ nhật nghỉ. Tiết đầu tiên của buổi học sáng luôn là hai môn Đức dục hay Công dân giáo dục. Mỗi sáng thứ hai giáo viên chủ nhiệm lại thay một câu cách ngôn mới trên bảng đen. Đây là những câu ca dao hay tục ngữ mà suốt tuần đó học sinh phải cố gắng học và hành như nội dung câu cách ngôn yêu cầu. Đại khái như: Lá lành đùm lá rách – Thương người như thể thương thân…Như vậy thời lượng dành cho giáo dục đạo đức nhiều hơn các môn khác nhiều.
   Bước vào năm lớp Nhì này chúng tôi được học một môn học mới mà chúng tôi thấy khó nuốt vì chẳng hiểu gì cả! Đó là Pháp văn. Thực dân Pháp đã không còn trên đất Việt nhưng ảnh hưởng văn hóa của họ vẫn còn. Thời gian này Anh văn chưa được dạy ở cấp tiểu học. Ở đây tôi nhớ một kỷ niệm vui vui. Cùng làng và học chung lớp với tôi có thằng Lắm. Ba nó ngày xưa, khi còn mồ ma thực dân, làm bồi cho người Pháp. Đại khái công việc của Ông ta  như là Osin vậy. Thời gian ông ta làm bồi chắc cũng lâu nên ông ta có thể nghe và nói tiếng Pháp bồi (loại tiếng chẳng có câu kéo, ngữ pháp gì). Từ khi biết thằng Lắm con ông học Pháp văn ông ta rất khoái và tự hào về vốn tiếng Pháp của mình. Một bữa tôi đến nhà thằng Lắm chơi gặp khi ba nó đang kiểm tra Pháp văn của con.với cái roi trong tay:
-         Cái nhà tiếng Pháp nói răng?
-         La maison.
-         Quyển sách nói răng?
-         Le livre
-         Cái nồi?
-         Con không biết.
-         Răng không biết. Học mà không biết à? Một roi. Vụt!
   Thằng Lắm oằn người vì roi của ba nó.
-         Cái chảo nói răng?
-         Ừ…ừ…con chưa học.
-         Răng chưa học? Học Pháp văn mà nói chưa học!? Một roi. Vút!