Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

TÔI ĐI HỌC (tt-4)



      TÔI  ĐI  HỌC    (tt-4)


Con đường làng, ngang chừng 4m, hai bên lẫn cỏ mọc với phân trâu, chạy về phía Nam chừng 300m thì gặp con đường cái quan trải lổn nhổn đá đỏ. Rẽ tay phải, về hướng Đông, là con đường tôi đi học hằng ngày hai năm lớp Nhì và lớp Nhất; rẽ tay phải, về hướng Tây là con đường lên thành phố Huế, sau này tôi sẽ lên về hằng ngày, hay hằng tuần để đi học Trung học.
   Những ngày tháng mùa thu mát mẻ, đẹp trời sau ngày tựu trường qua nhanh. Mùa đông xứ Huế lạnh lẽo với con đường trải đá đỏ, ngày hai buổi đi học, nghĩa là bốn bận đi về, thực sự là một thách thức đối với một thằng bé còn nhiều chất phố thị, chưa quen với những gian khổ, thiếu thốn của cuộc sống ở làng quê như tôi. Con đường chạy giữa đồng không mông quạnh, một bên là những thửa ruộng xâm xấp nước, một bên là đầm nước và bên kia đầm cũng lại là những cánh đồng buồn thiu chỉ còn sót lại vài gốc rạ. Trên con đường đá đỏ, trong mưa gió khủng khiếp giữa cánh đồng mình không thể đi dép cho đỡ đau chân vì chân ướt nước nên dép cứ vuột ra mãi, mà hồi đó đâu có dép da, giày vải như bây giờ? Chỉ có dép lốp mới chịu được thôi, mà cũng ít người dùng. Nước mưa với gió cũng dán áo mưa vào hai bắp chân làm mình không thể đi nhanh và cũng chỉ một hai hôm là chiếc áo mưa bị xé rách toạt theo cùng bước chân. Thế mới thấy cái tiện dụng của cái áo tơi lá và chiếc nón lá nhà quê! Gió chiều nào thì xoay áo tơi về phía ấy và ấm ơi là ấm! Một tháng sau, Bà Nội tôi cũng đặt hàng để người ta chầm (kết lá bằng chỉ hay dây mây – chầm nón) cho tôi một cái tơi lá, thế nhưng hai bàn chân thì tôi cũng phải đi chân đất như các bạn khác.
   Để đỡ vất vả cho tôi, những ngày mưa lớn, lạnh nhiều, buổi sáng Mợ (Mẹ) tôi nấu thêm cơm bới vào cái cà mèn (gà mên) của lính với ít cá kho tiêu cho tôi xách theo ăn bữa trưa. Nhiều bạn khác cũng xách cơm theo ăn như tôi, nhưng họ mang theo cơm vắt trong mo cau cùng với ít muối mè hay muối đậu phụng.

. Buổi trưa ăn xong là khoảng thời gian rảnh rỗi rất vui, nhất là những khi không mưa hay tạnh mưa!
   Tuy vậy, trong cái lạnh lẽo của mùa đông xứ Huế, bữa cơm trưa mang theo không phải là dễ nuốt! Nhiều khi nuốt cục cơm mà có cảm tưởng như là nuốt phải một cục nước đá! Nó trôi đến đâu là biết đến đấy! Bà Nội tôi lại liên hệ với Mụ (Bà) Đinh, em chú bác ruột với Ông Nội tôi, lấy chồng có nhà gần trường cho tôi được ăn bữa cơm trưa nóng sốt những hôm tôi phải ở lại trường chờ học buổi chiều. Tuy nhiên, chỉ sau bữa cơm trưa đầu tiên, tối đó tôi xin với Bà tôi cho tôi không ăn cơm ở nhà Mụ Đinh nữa. Cả nhà hỏi mãi tôi mới thuật lại: ở nhà Mụ Đinh, người ta ăn canh không như nhà mình. Nhà mình muốn ăn canh phải chan (múc) canh vào chén mới ăn; ở nhà Mụ Đinh, ai muốn ăn canh thì bưng tô canh lên húp một cái “rột” xong để xuống cho người khác húp! Tôi không ăn được như vậy! Ba ngày sau chắc tới tai nhà Mụ Đinh, Mụ cho người nhà  buổi trưa ra trường dẫn tôi về nhà ăn cơm với món canh có muỗng, có vá múc canh đàng hoàng! Tuy vậy, tôi cũng chỉ ăn cơm ở nhà Mụ được vài ngày thì tôi dứt khoát không ăn nữa dù sau đó trời mưa lạnh cách mấy, dù cả nhà hỏi han, động viên này kia…tôi cũng nhất quyết không. Lý do: một buổi trưa đi học về sớm hơn thường lệ, tôi ghé nhà Mụ ăn và nghỉ trưa. Còn sớm nên mụ nhờ tôi lau giùm ít chén,bát để ăn cơm. Chỗ để chén, bát cách bếp nấu ăn của Mụ chưa đến hai bước chân. Trong khi tôi đang lau chén thì Mụ đang loay hoay với nồi canh. Không biết Mụ nêm nếm thế nào mà tôi nhìn thấy Mụ bốc mấy củ nén (một loại gia vị - có nơi gọi là hành tăm) cho vào miệng nhai nhai rồi “phù” một cái, Mụ nhổ cả búng hành tăm trong miệng vào nồi canh đang sôi trên bếp! Dĩ nhiên là bữa trưa hôm đó tôi không dám đụng đến món canh hấp dẫn của Mụ Đinh!