Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

PHIẾM LUẬN CÀ PHÊ



     CÀ PHÊ PHIẾM LUẬN


   Thành thật mà nói xưa nay mình không thích, nên không nghiện cà phê. Hơn 20 năm trước, khi còn nghiện thuốc lá, mình cũng chỉ coi cà phê đá như những thức uống giải khát khác: đá chanh, chanh muối, coca, xa xị…Hồi đó mình có thói quen nếu điểm tâm sáng bằng bánh mì-trứng oeuf-sur-plate thì dứt khoát thức uống sau đó là cà phê sữa nóng; còn ăn sáng bằng những món khác thì uống gì cũng OK, không thành vấn đề.
   Trong ký ức của mình ly cà phê ngon nhất không phải ở tiệm như Phấn, Asia, cà phê Ông Tôn… ở Huế; Chiều Tím, Thạch Thảo… ở Đà Nẵng; Serenata…ở Cần Thơ; Papa, Tùng…ở Đà Lạt. Ly cà phê ngon nhất mà mình được uống khi mình còn bé và được mẹ mua cho là từ một em bé bán cà phê dạo ở phía trong cửa Thượng Tứ, thành phố Huế. Ôi, ly cà phê thật tuyệt, suốt một đời còn nhớ! Bây giờ chẳng còn ai nhìn thấy được cảnh các em bé bán cà phê dạo như nhồi đó. Để dễ hình dung mình xin mượn hình ảnh những người bán nước trà trên các chuyến xe lửa Thống Nhất mấy chục năm trước: cũng chiếc ấm nhôm bọc vải dày để giữ nhiệt. chiếc ly nhỏ úp trên vòi ấm để khi có người gọi mua thì sẵn sàng để rót cho khách! Hồi đó chẳng thấy ai bảo bán cà phê( hay bán trà) với chỉ một hai cái ly như thế là không vệ sinh cả!
   Năm 1972 mình chuyển công tác vào Cần Thơ. Sau vài ngày, mình khám phá ra rằng sức tiêu thụ cà phê đá, và nước đá cây ở Tây Đô, và sau này biết thêm cả miền Nam cũng vậy, vượt gấp nhiều lần dân miền Trung: chỉ trừ con nít, ở đây có thể nói ai cũng uống cà phê: giàu nghèo, sang hèn, đàn ông, đàn bà, nông thôn và thành thị…thậm chí nhiều người uống ngày ba cử: sáng, chiều, tối. Những lúc khác trong ngày, từ sáng đến chiều tối, khi khát, người ta thích uống đá lạnh.
   Những ngày đầu ở Tây đô vào quán cà phê giải khát khách gọi thức uống nghe rất lạ tai và sau đó phải nghi nhớ học thuộc để cho giống người ta! Ở Huế có cà phê đen, cà phê đá, cà phê sữa nhưng hồi đó ở Cần Thơ vào quán chỉ nghe cà phê đá( gọi tắt là đá), xây chừng(cà phê đen), xây nại(cà phê sữa), xây pạc xĩu( cà phê sữa với sữa nhiều hơn cà phê), nửa hay lưng( nửa cái cà phê đen thôi! Lưng ly mà!) Thật rối rắm!  Tháng trước , một Huynh trưởng Hướng đạo đã từng về công tác Tây đô, biết mình có thời gian dài sống ở đó hỏi mình: “Nè Ông, ở Cần Thơ bây giờ còn cái “nửa” không?” Mình xa Cần Thơ đã gần 10 năm nên phải ngẩn người ra một lúc mới hiểu người đối diện muốn hỏi cái gì!!! Ừ, không biết ở đó bi giờ còn cái “lưng” không nhỉ? Cái ni phải nhờ dân Tây đô trả lời hộ, như bạn Mai Trang Huỳnh chẳng hạn!
   Bạn có biết cà phê Sài gòn khác cà phê Huế cái gì không? Hehehe…Năm ngoái mình về thăm quê, vào cà phê Thành Nội, một quán cà phê khá sang và đẹp ở Huế, gọi một ly cà phê đá. Tiếp viên hỏi mình dạ chú gọi cà phê Huế hay cà phê Sài gòn ạ? Mình ngạc nhiên hỏi lại cà phê Huế là răng, cà phê Sài gòn là răng? Dạ thưa chú cà phê Sài gòn đã pha sẵn, chú uống cháu đem ra ngay; cà phê Huế thì lượt bằng phin, chú phải chờ ạ!
    Chuyện cà phê còn dài dài vì chúng ta đang có cà phê võng, cà phê ôm, cà phê đèn mờ, cà phê dõm, cà phê bẩn… và thời thương hiện nay là cà phê rang xay tại chỗ nhưng hẹn dịp khác vậy.

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

TẢN MẠN


   TẢN  MẠN


   1/- Tuổi già: Già rồi thì nên biết để tự lượng sức mình. Trí óc không còn minh mẫn, cơ thể cũng đã suy yếu không thể chịu đựng một công việc nào đòi hỏi cố gắng về tinh thần cũng như thể chất, dù nhẹ nhàng. Vì vậy mọi chuyện không nên tính đường dài vì không có gì chắc chắn cả kể cả chuyện sinh tử của mình. Tôi đã không suy nghĩ kỹ điều này nên đã mong viết dài hơi Tôi Đi Học. Kết quả là thời gian qua tôi đã không viết được gì như ý. Xin lỗi các bạn.

   2/- Mắc kẹt: Cũng là do thiếu suy nghĩ cẩn thận tôi đã lâm vào một tình trạng thật buồn cười: tôi mắc kẹt trong công việc của mình! Khi bắt đầu viết Tôi Đi Học tôi chỉ nghĩ việc này cũng không phức tạp gì, chỉ là viết lại những gì vui buồn còn nhớ về những ngày tháng ngày hai buổi cắp sách đến trường. Nhưng mới chỉ viết được có 4 đoạn ngắn tôi đã thấy có sự không ổn vì những kỷ niệm buồn vui đó có cái không liên hệ gì đến chuyện đi học! Vì thế chỉ một hai bài bạn Rum đã có comment: “Sao viết Tôi Đi Học mà chỉ nói chuyện ăn uống không vậy? Nguho đúng là có tâm hồn ăn uống!” Tôi thấy mình đã vô tình lâm vào một tình trạng khó xử: viết tiếp thì không đúng với chủ đề nêu ra từ đầu! Phải chi tôi đã viết Thời Thơ Ấu thay vì Tôi Đi Học thì cũng đỡ khổ phần nào! Từ nay tôi chỉ xin dùng những tiểu đề dù nội dung có thể liên hệ nhau nhiều ít. Như vậy thì khỏi kẹt gì cả!

   3/- Cơm Âm Phủ: Lại chuyện ăn uống? Đúng vậy. Nếu tôi nhớ không lầm thì Quách Mạc Nhược(hay Lỗ Tấn?) đã nói thế này(đại ý): Đường đến trái tim gần nhất là qua bao tử!(Nếu sai xin các bạn sửa giùm-Cám ơn).
   Ngày hôm qua được đi ăn cơm khách – Ôi, sao độ này có lộc ăn thế cứ “Ba ngày một tiểu yến, bảy ngày một đại yến”! Món Cơm Âm Phủ của gia chủ (là một người đẹp của phố Hàng Me,Huế ngày xưa) đã được thực khách khen ngợi hết lời. Đặc sản này của Huế đây là lần thứ hai trong đời mình được thưởng thức. Nhìn thì cũng đơn giản nhưng đẹp mắt: Thịt heo nướng, nem, chả, trứng tráng, tất cả đều thái chỉ; kèm dưa chua, rau é quế, tôm chà bông. Riêng cơm thì mình chịu, chỉ thấy hạt cơm thơm,dẽo, béo…Nếu hơi nhạt thì thêm nước mắm chua ngọt hay nước tương( vị tâm).