Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

LỜI CÁM ƠN

CÁM ƠN TẤT CẢ BẠN BÈ ĐÃ CHIA BUỒN CÙNG CHÚNG TÔI TRONG NHỮNG NGÀY TANG KHÓ. THÀNH THẬT BIẾT ƠN.


Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014

TUỔI THƠ QUA NHỮNG TRÒ CHƠI CŨ


     Những trò chơi cũ thật là nghèo, giản dị, sáng tạo và nhiều vận động. Thuở ấy mình cũng như nhân vật Nobita trong truyện tranh Doreamon Nhật bản: hậu đậu, vụng về, yếu ớt, chơi cái gì cũng thua bè bạn. Đến nỗi nhiều bạn không thèm về phe của mình! Tuy nhiên bây giờ nhớ lại mà tiếc cho những trò chơi ngày xưa vì chúng đang mai một và có khả năng "tuyệt chủng", trong khi mình thấy trẻ con bây giờ rất cần những trò chơi này để phát triển hài hòa tâm và sinh lý! Trẻ bây giờ phải học quá nhiều nhưng những trò chơi điện tử hoặc giải trí qua game, qua TV lại quá thụ động làm trẻ yếu đuối và béo phì.
   Có những trò chơi cũ, thật tệ, bây giờ đã không còn nhớ tên!
     
    Trò chơi NĂM MƯỜI
BẮN BI
ĐÁNH CHUYỀN ( Đánh đũa?)
NHẢY DÂY
TẠT LON
TRÒ CHƠI GÌ ĐÂY(Quên tên!)
TRÒ CHƠI GÌ ĐÂY?

 Và còn những trò chơi khác như Ô Ăn quan, giật cờ, U mọi, Thả đĩa ba ba...

Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

ĐỌC BÁO GIÙM BẠN


          Mục PHIẾM của báo Sài Gòn Tiếp Thị là mục tôi luôn đọc đầu tiên khi cầm một tờ báo mới. Chỉ là chuyện PHIẾM thôi nhưng đọc đôi lúc rất nhức nhối! Bài NƠI KHÔNG BIẾT GỌI LÀ GÌ của Người Già Chuyện trên số báo ngày 21.2.2014 cũng là một bài báo như thế của tác giả.
     Bài này dành cho những bạn chưa đọc. Đọc rồi đọc lại cũng"bui"!

Phiếm
Nơi không còn biết gọi là gì
– Sao mặt mày ông tái mét vậy? Tụt huyết áp sao còn ra đây uống càphê?
– Tối qua tôi mới xem xong cái clip thầy trò đánh nhau, tới giờ vẫn tim đập chân run!
– Sao ông không chịu lên mạng xem các tin cướp giết hiếp thường xuyên cho nó chai dần cảm xúc, chừng đó đọc được chuyện sốc cỡ nào cũng tỉnh như không!
– Tôi không sợ chỉ vì riêng chuyện đó, mà vì điểm qua một số vụ gần đây thì tôi thấy hình như mình đang sống trong một thế giới mà nhiều đơn vị nền tảng của bộ máy xã hội loài người đều biến dạng thành cái... không biết gọi là gì! Này nhé: một nơi mà thầy trò tha hồ dùng đòn thù với nhau có còn là nhà trường?
– Không còn.
– Một nơi mà bốn học sinh lớp 10 hiếp dâm bạn trước cổng trường có thể gọi là học đường?
– Không thể.
– Một nơi mà người nhà bệnh nhân rượt đánh y bác sĩ có đáng gọi nhà thương?
– Không đáng.
– Một nơi mà chánh án bị phụ nữ trùm quần lên đầu có thể gọi công đường?
– Cũng không.
– Thôi thôi đừng hỏi nữa! Ông làm tôi sợ quá: thế thì hình như chúng ta không còn sống trong thế giới bình thường! Thậm chí tôi vừa sực nghĩ không biết cái nơi chúng ta đang ngồi có đúng là quán càphê không?
Chị Ba chủ quán đột ngột xuất hiện:
– Ê hai cha già kia, bộ tính nói chuyện giả điên giả dại để lát xù tiền càphê hả? Uống xong không trả tiền là bà bóp cổ đấy nhá! Đúng là thời buổi đảo điên không tin ai được!
NGƯỜI GIÀ CHUYỆN

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

PHIẾM LUẬN CÀ PHÊ



     CÀ PHÊ PHIẾM LUẬN


   Thành thật mà nói xưa nay mình không thích, nên không nghiện cà phê. Hơn 20 năm trước, khi còn nghiện thuốc lá, mình cũng chỉ coi cà phê đá như những thức uống giải khát khác: đá chanh, chanh muối, coca, xa xị…Hồi đó mình có thói quen nếu điểm tâm sáng bằng bánh mì-trứng oeuf-sur-plate thì dứt khoát thức uống sau đó là cà phê sữa nóng; còn ăn sáng bằng những món khác thì uống gì cũng OK, không thành vấn đề.
   Trong ký ức của mình ly cà phê ngon nhất không phải ở tiệm như Phấn, Asia, cà phê Ông Tôn… ở Huế; Chiều Tím, Thạch Thảo… ở Đà Nẵng; Serenata…ở Cần Thơ; Papa, Tùng…ở Đà Lạt. Ly cà phê ngon nhất mà mình được uống khi mình còn bé và được mẹ mua cho là từ một em bé bán cà phê dạo ở phía trong cửa Thượng Tứ, thành phố Huế. Ôi, ly cà phê thật tuyệt, suốt một đời còn nhớ! Bây giờ chẳng còn ai nhìn thấy được cảnh các em bé bán cà phê dạo như nhồi đó. Để dễ hình dung mình xin mượn hình ảnh những người bán nước trà trên các chuyến xe lửa Thống Nhất mấy chục năm trước: cũng chiếc ấm nhôm bọc vải dày để giữ nhiệt. chiếc ly nhỏ úp trên vòi ấm để khi có người gọi mua thì sẵn sàng để rót cho khách! Hồi đó chẳng thấy ai bảo bán cà phê( hay bán trà) với chỉ một hai cái ly như thế là không vệ sinh cả!
   Năm 1972 mình chuyển công tác vào Cần Thơ. Sau vài ngày, mình khám phá ra rằng sức tiêu thụ cà phê đá, và nước đá cây ở Tây Đô, và sau này biết thêm cả miền Nam cũng vậy, vượt gấp nhiều lần dân miền Trung: chỉ trừ con nít, ở đây có thể nói ai cũng uống cà phê: giàu nghèo, sang hèn, đàn ông, đàn bà, nông thôn và thành thị…thậm chí nhiều người uống ngày ba cử: sáng, chiều, tối. Những lúc khác trong ngày, từ sáng đến chiều tối, khi khát, người ta thích uống đá lạnh.
   Những ngày đầu ở Tây đô vào quán cà phê giải khát khách gọi thức uống nghe rất lạ tai và sau đó phải nghi nhớ học thuộc để cho giống người ta! Ở Huế có cà phê đen, cà phê đá, cà phê sữa nhưng hồi đó ở Cần Thơ vào quán chỉ nghe cà phê đá( gọi tắt là đá), xây chừng(cà phê đen), xây nại(cà phê sữa), xây pạc xĩu( cà phê sữa với sữa nhiều hơn cà phê), nửa hay lưng( nửa cái cà phê đen thôi! Lưng ly mà!) Thật rối rắm!  Tháng trước , một Huynh trưởng Hướng đạo đã từng về công tác Tây đô, biết mình có thời gian dài sống ở đó hỏi mình: “Nè Ông, ở Cần Thơ bây giờ còn cái “nửa” không?” Mình xa Cần Thơ đã gần 10 năm nên phải ngẩn người ra một lúc mới hiểu người đối diện muốn hỏi cái gì!!! Ừ, không biết ở đó bi giờ còn cái “lưng” không nhỉ? Cái ni phải nhờ dân Tây đô trả lời hộ, như bạn Mai Trang Huỳnh chẳng hạn!
   Bạn có biết cà phê Sài gòn khác cà phê Huế cái gì không? Hehehe…Năm ngoái mình về thăm quê, vào cà phê Thành Nội, một quán cà phê khá sang và đẹp ở Huế, gọi một ly cà phê đá. Tiếp viên hỏi mình dạ chú gọi cà phê Huế hay cà phê Sài gòn ạ? Mình ngạc nhiên hỏi lại cà phê Huế là răng, cà phê Sài gòn là răng? Dạ thưa chú cà phê Sài gòn đã pha sẵn, chú uống cháu đem ra ngay; cà phê Huế thì lượt bằng phin, chú phải chờ ạ!
    Chuyện cà phê còn dài dài vì chúng ta đang có cà phê võng, cà phê ôm, cà phê đèn mờ, cà phê dõm, cà phê bẩn… và thời thương hiện nay là cà phê rang xay tại chỗ nhưng hẹn dịp khác vậy.

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

TẢN MẠN


   TẢN  MẠN


   1/- Tuổi già: Già rồi thì nên biết để tự lượng sức mình. Trí óc không còn minh mẫn, cơ thể cũng đã suy yếu không thể chịu đựng một công việc nào đòi hỏi cố gắng về tinh thần cũng như thể chất, dù nhẹ nhàng. Vì vậy mọi chuyện không nên tính đường dài vì không có gì chắc chắn cả kể cả chuyện sinh tử của mình. Tôi đã không suy nghĩ kỹ điều này nên đã mong viết dài hơi Tôi Đi Học. Kết quả là thời gian qua tôi đã không viết được gì như ý. Xin lỗi các bạn.

   2/- Mắc kẹt: Cũng là do thiếu suy nghĩ cẩn thận tôi đã lâm vào một tình trạng thật buồn cười: tôi mắc kẹt trong công việc của mình! Khi bắt đầu viết Tôi Đi Học tôi chỉ nghĩ việc này cũng không phức tạp gì, chỉ là viết lại những gì vui buồn còn nhớ về những ngày tháng ngày hai buổi cắp sách đến trường. Nhưng mới chỉ viết được có 4 đoạn ngắn tôi đã thấy có sự không ổn vì những kỷ niệm buồn vui đó có cái không liên hệ gì đến chuyện đi học! Vì thế chỉ một hai bài bạn Rum đã có comment: “Sao viết Tôi Đi Học mà chỉ nói chuyện ăn uống không vậy? Nguho đúng là có tâm hồn ăn uống!” Tôi thấy mình đã vô tình lâm vào một tình trạng khó xử: viết tiếp thì không đúng với chủ đề nêu ra từ đầu! Phải chi tôi đã viết Thời Thơ Ấu thay vì Tôi Đi Học thì cũng đỡ khổ phần nào! Từ nay tôi chỉ xin dùng những tiểu đề dù nội dung có thể liên hệ nhau nhiều ít. Như vậy thì khỏi kẹt gì cả!

   3/- Cơm Âm Phủ: Lại chuyện ăn uống? Đúng vậy. Nếu tôi nhớ không lầm thì Quách Mạc Nhược(hay Lỗ Tấn?) đã nói thế này(đại ý): Đường đến trái tim gần nhất là qua bao tử!(Nếu sai xin các bạn sửa giùm-Cám ơn).
   Ngày hôm qua được đi ăn cơm khách – Ôi, sao độ này có lộc ăn thế cứ “Ba ngày một tiểu yến, bảy ngày một đại yến”! Món Cơm Âm Phủ của gia chủ (là một người đẹp của phố Hàng Me,Huế ngày xưa) đã được thực khách khen ngợi hết lời. Đặc sản này của Huế đây là lần thứ hai trong đời mình được thưởng thức. Nhìn thì cũng đơn giản nhưng đẹp mắt: Thịt heo nướng, nem, chả, trứng tráng, tất cả đều thái chỉ; kèm dưa chua, rau é quế, tôm chà bông. Riêng cơm thì mình chịu, chỉ thấy hạt cơm thơm,dẽo, béo…Nếu hơi nhạt thì thêm nước mắm chua ngọt hay nước tương( vị tâm).

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

TÔI ĐI HỌC (tt-4)



      TÔI  ĐI  HỌC    (tt-4)


Con đường làng, ngang chừng 4m, hai bên lẫn cỏ mọc với phân trâu, chạy về phía Nam chừng 300m thì gặp con đường cái quan trải lổn nhổn đá đỏ. Rẽ tay phải, về hướng Đông, là con đường tôi đi học hằng ngày hai năm lớp Nhì và lớp Nhất; rẽ tay phải, về hướng Tây là con đường lên thành phố Huế, sau này tôi sẽ lên về hằng ngày, hay hằng tuần để đi học Trung học.
   Những ngày tháng mùa thu mát mẻ, đẹp trời sau ngày tựu trường qua nhanh. Mùa đông xứ Huế lạnh lẽo với con đường trải đá đỏ, ngày hai buổi đi học, nghĩa là bốn bận đi về, thực sự là một thách thức đối với một thằng bé còn nhiều chất phố thị, chưa quen với những gian khổ, thiếu thốn của cuộc sống ở làng quê như tôi. Con đường chạy giữa đồng không mông quạnh, một bên là những thửa ruộng xâm xấp nước, một bên là đầm nước và bên kia đầm cũng lại là những cánh đồng buồn thiu chỉ còn sót lại vài gốc rạ. Trên con đường đá đỏ, trong mưa gió khủng khiếp giữa cánh đồng mình không thể đi dép cho đỡ đau chân vì chân ướt nước nên dép cứ vuột ra mãi, mà hồi đó đâu có dép da, giày vải như bây giờ? Chỉ có dép lốp mới chịu được thôi, mà cũng ít người dùng. Nước mưa với gió cũng dán áo mưa vào hai bắp chân làm mình không thể đi nhanh và cũng chỉ một hai hôm là chiếc áo mưa bị xé rách toạt theo cùng bước chân. Thế mới thấy cái tiện dụng của cái áo tơi lá và chiếc nón lá nhà quê! Gió chiều nào thì xoay áo tơi về phía ấy và ấm ơi là ấm! Một tháng sau, Bà Nội tôi cũng đặt hàng để người ta chầm (kết lá bằng chỉ hay dây mây – chầm nón) cho tôi một cái tơi lá, thế nhưng hai bàn chân thì tôi cũng phải đi chân đất như các bạn khác.
   Để đỡ vất vả cho tôi, những ngày mưa lớn, lạnh nhiều, buổi sáng Mợ (Mẹ) tôi nấu thêm cơm bới vào cái cà mèn (gà mên) của lính với ít cá kho tiêu cho tôi xách theo ăn bữa trưa. Nhiều bạn khác cũng xách cơm theo ăn như tôi, nhưng họ mang theo cơm vắt trong mo cau cùng với ít muối mè hay muối đậu phụng.

. Buổi trưa ăn xong là khoảng thời gian rảnh rỗi rất vui, nhất là những khi không mưa hay tạnh mưa!
   Tuy vậy, trong cái lạnh lẽo của mùa đông xứ Huế, bữa cơm trưa mang theo không phải là dễ nuốt! Nhiều khi nuốt cục cơm mà có cảm tưởng như là nuốt phải một cục nước đá! Nó trôi đến đâu là biết đến đấy! Bà Nội tôi lại liên hệ với Mụ (Bà) Đinh, em chú bác ruột với Ông Nội tôi, lấy chồng có nhà gần trường cho tôi được ăn bữa cơm trưa nóng sốt những hôm tôi phải ở lại trường chờ học buổi chiều. Tuy nhiên, chỉ sau bữa cơm trưa đầu tiên, tối đó tôi xin với Bà tôi cho tôi không ăn cơm ở nhà Mụ Đinh nữa. Cả nhà hỏi mãi tôi mới thuật lại: ở nhà Mụ Đinh, người ta ăn canh không như nhà mình. Nhà mình muốn ăn canh phải chan (múc) canh vào chén mới ăn; ở nhà Mụ Đinh, ai muốn ăn canh thì bưng tô canh lên húp một cái “rột” xong để xuống cho người khác húp! Tôi không ăn được như vậy! Ba ngày sau chắc tới tai nhà Mụ Đinh, Mụ cho người nhà  buổi trưa ra trường dẫn tôi về nhà ăn cơm với món canh có muỗng, có vá múc canh đàng hoàng! Tuy vậy, tôi cũng chỉ ăn cơm ở nhà Mụ được vài ngày thì tôi dứt khoát không ăn nữa dù sau đó trời mưa lạnh cách mấy, dù cả nhà hỏi han, động viên này kia…tôi cũng nhất quyết không. Lý do: một buổi trưa đi học về sớm hơn thường lệ, tôi ghé nhà Mụ ăn và nghỉ trưa. Còn sớm nên mụ nhờ tôi lau giùm ít chén,bát để ăn cơm. Chỗ để chén, bát cách bếp nấu ăn của Mụ chưa đến hai bước chân. Trong khi tôi đang lau chén thì Mụ đang loay hoay với nồi canh. Không biết Mụ nêm nếm thế nào mà tôi nhìn thấy Mụ bốc mấy củ nén (một loại gia vị - có nơi gọi là hành tăm) cho vào miệng nhai nhai rồi “phù” một cái, Mụ nhổ cả búng hành tăm trong miệng vào nồi canh đang sôi trên bếp! Dĩ nhiên là bữa trưa hôm đó tôi không dám đụng đến món canh hấp dẫn của Mụ Đinh!

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

TÔI ĐI HỌC (tt)


        TÔI  ĐI  HỌC     (tt)


Trường Hải Diên Thanh là một trường quê nghèo, cách nhà tôi chừng 3 km, có 5 lớp nhưng ở 3 khu vực rải từ đầu đến cuối làng Hải Trình. Đầu làng, mượn nhà liêu của đình làng, có 2 lớp Hai và Ba. Cuối làng, mượn nhà dưới của một nhà thờ tộc của một họ trong làng làm lớp Một. Ở giữa làng là khu chính bố trí hai lớp Nhì và Nhất. Hai lớp này cùng học trong một nhà dài, quay lưng với nhau, ngăn lớp này và lớp kia bằng một bức màn đen và mỏng. Học bên này cứ nghe thông thống tiếng Thầy giáo bên kia giảng bài, học sinh ca hát…Trước khu vực này là một cái sân chơi nhỏ, nằm cặp con đường làng bằng đất và ngoài kia là con đầm dự trữ nước cho nông nghiệp dài từ làng tôi xuống đây và còn dài thêm vài cây số nữa, bề ngang  chừng 50m. Giờ chơi, chúng tôi ít khi chơi ở đây vì quá nhỏ mà thường sang chơi bên sân nhà thờ họ Hồ bên cạnh rộng và phẳng. Ngay ngày đầu tiên đi học, ra chơi ở sân này tôi suýt bị thằng Bốn đánh vì vẻ trắng trẻo, đẹp trai của con nhà thành thị. Thằng Bốn nổi tiếng du côn ở trường, lưu ban lớp Năm và lớn hơn tôi 2 tuổi. May mà có mấy thằng bạn cùng làng nhảy vào can và chạy vào “méc” thầy tôi. Thế nhưng chừng ba hôm sau, thằng Bốn phải theo mẹ  lên nhà tôi xin lỗi vì mẹ nó gọi ba tôi là anh, bà con chú bác ruột, và theo vai vế nó phải gọi tôi là anh! Từ đó thằng Bốn không bao giờ nhìn đến tôi và tôi được thoải mái học hành và nô đùa trong ngôi trường làng nghèo vì chẳng còn ai ăn hiếp tôi nữa!
     Lớp tôi có chừng ngoài 40 học sinh và được thầy chia làm 5 đội. Một đội nữ, 4 đội nam  là học sinh từ 4 làng đến đây theo học. Thầy chia như thể để chúng tôi có điều kiện sinh hoạt và học tập theo nhóm được thuận lợi. Lớp Bốn là Liên đội Bạch Đằng với bài hát Bạch Đằng Giang của Lưu Hữu Phước. Lớp Năm là Liên đội Lam Sơn với bài hát Nước Non Lam Sơn. Tên và bài hát của liên đội tùy học sinh chọn theo một số gợi ý của giáo viên chủ nhiệm. Cả hai bài hát này rất hay. Trước mỗi buổi học, học sinh phải đứng nghiêm hát Liên đội ca với sự dẫn giọng của lớp trưởng. Theo tôi, đây cũng là cách dạy lịch sử, hun đúc lòng yêu nước  cho các học sinh nhỏ tuổi.
    Dù là một trường làng nghèo nhưng hồi đó ít học sinh nên chúng tôi được học ngày hai buổi. Mỗi năm học mỗi học sinh chỉ phải nộp 3 đồng gọi là tiền Sinh hoạt hiệu đoàn. Sách giáo khoa gồm 5 cuốn: Toán, Quốc văn, Khoa học thường thức, Lịch sử và Địa lý. Những quyển sách này học sinh tự sắm hay có thể mượn của anh em hay bà con đã học những năm trước.Một tuần học năm ngày, thứ Năm và Chủ nhật nghỉ. Tiết đầu tiên của buổi học sáng luôn là hai môn Đức dục hay Công dân giáo dục. Mỗi sáng thứ hai giáo viên chủ nhiệm lại thay một câu cách ngôn mới trên bảng đen. Đây là những câu ca dao hay tục ngữ mà suốt tuần đó học sinh phải cố gắng học và hành như nội dung câu cách ngôn yêu cầu. Đại khái như: Lá lành đùm lá rách – Thương người như thể thương thân…Như vậy thời lượng dành cho giáo dục đạo đức nhiều hơn các môn khác nhiều.
   Bước vào năm lớp Nhì này chúng tôi được học một môn học mới mà chúng tôi thấy khó nuốt vì chẳng hiểu gì cả! Đó là Pháp văn. Thực dân Pháp đã không còn trên đất Việt nhưng ảnh hưởng văn hóa của họ vẫn còn. Thời gian này Anh văn chưa được dạy ở cấp tiểu học. Ở đây tôi nhớ một kỷ niệm vui vui. Cùng làng và học chung lớp với tôi có thằng Lắm. Ba nó ngày xưa, khi còn mồ ma thực dân, làm bồi cho người Pháp. Đại khái công việc của Ông ta  như là Osin vậy. Thời gian ông ta làm bồi chắc cũng lâu nên ông ta có thể nghe và nói tiếng Pháp bồi (loại tiếng chẳng có câu kéo, ngữ pháp gì). Từ khi biết thằng Lắm con ông học Pháp văn ông ta rất khoái và tự hào về vốn tiếng Pháp của mình. Một bữa tôi đến nhà thằng Lắm chơi gặp khi ba nó đang kiểm tra Pháp văn của con.với cái roi trong tay:
-         Cái nhà tiếng Pháp nói răng?
-         La maison.
-         Quyển sách nói răng?
-         Le livre
-         Cái nồi?
-         Con không biết.
-         Răng không biết. Học mà không biết à? Một roi. Vụt!
   Thằng Lắm oằn người vì roi của ba nó.
-         Cái chảo nói răng?
-         Ừ…ừ…con chưa học.
-         Răng chưa học? Học Pháp văn mà nói chưa học!? Một roi. Vút!