Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

PHIẾM LUẬN CÀ PHÊ



     CÀ PHÊ PHIẾM LUẬN


   Thành thật mà nói xưa nay mình không thích, nên không nghiện cà phê. Hơn 20 năm trước, khi còn nghiện thuốc lá, mình cũng chỉ coi cà phê đá như những thức uống giải khát khác: đá chanh, chanh muối, coca, xa xị…Hồi đó mình có thói quen nếu điểm tâm sáng bằng bánh mì-trứng oeuf-sur-plate thì dứt khoát thức uống sau đó là cà phê sữa nóng; còn ăn sáng bằng những món khác thì uống gì cũng OK, không thành vấn đề.
   Trong ký ức của mình ly cà phê ngon nhất không phải ở tiệm như Phấn, Asia, cà phê Ông Tôn… ở Huế; Chiều Tím, Thạch Thảo… ở Đà Nẵng; Serenata…ở Cần Thơ; Papa, Tùng…ở Đà Lạt. Ly cà phê ngon nhất mà mình được uống khi mình còn bé và được mẹ mua cho là từ một em bé bán cà phê dạo ở phía trong cửa Thượng Tứ, thành phố Huế. Ôi, ly cà phê thật tuyệt, suốt một đời còn nhớ! Bây giờ chẳng còn ai nhìn thấy được cảnh các em bé bán cà phê dạo như nhồi đó. Để dễ hình dung mình xin mượn hình ảnh những người bán nước trà trên các chuyến xe lửa Thống Nhất mấy chục năm trước: cũng chiếc ấm nhôm bọc vải dày để giữ nhiệt. chiếc ly nhỏ úp trên vòi ấm để khi có người gọi mua thì sẵn sàng để rót cho khách! Hồi đó chẳng thấy ai bảo bán cà phê( hay bán trà) với chỉ một hai cái ly như thế là không vệ sinh cả!
   Năm 1972 mình chuyển công tác vào Cần Thơ. Sau vài ngày, mình khám phá ra rằng sức tiêu thụ cà phê đá, và nước đá cây ở Tây Đô, và sau này biết thêm cả miền Nam cũng vậy, vượt gấp nhiều lần dân miền Trung: chỉ trừ con nít, ở đây có thể nói ai cũng uống cà phê: giàu nghèo, sang hèn, đàn ông, đàn bà, nông thôn và thành thị…thậm chí nhiều người uống ngày ba cử: sáng, chiều, tối. Những lúc khác trong ngày, từ sáng đến chiều tối, khi khát, người ta thích uống đá lạnh.
   Những ngày đầu ở Tây đô vào quán cà phê giải khát khách gọi thức uống nghe rất lạ tai và sau đó phải nghi nhớ học thuộc để cho giống người ta! Ở Huế có cà phê đen, cà phê đá, cà phê sữa nhưng hồi đó ở Cần Thơ vào quán chỉ nghe cà phê đá( gọi tắt là đá), xây chừng(cà phê đen), xây nại(cà phê sữa), xây pạc xĩu( cà phê sữa với sữa nhiều hơn cà phê), nửa hay lưng( nửa cái cà phê đen thôi! Lưng ly mà!) Thật rối rắm!  Tháng trước , một Huynh trưởng Hướng đạo đã từng về công tác Tây đô, biết mình có thời gian dài sống ở đó hỏi mình: “Nè Ông, ở Cần Thơ bây giờ còn cái “nửa” không?” Mình xa Cần Thơ đã gần 10 năm nên phải ngẩn người ra một lúc mới hiểu người đối diện muốn hỏi cái gì!!! Ừ, không biết ở đó bi giờ còn cái “lưng” không nhỉ? Cái ni phải nhờ dân Tây đô trả lời hộ, như bạn Mai Trang Huỳnh chẳng hạn!
   Bạn có biết cà phê Sài gòn khác cà phê Huế cái gì không? Hehehe…Năm ngoái mình về thăm quê, vào cà phê Thành Nội, một quán cà phê khá sang và đẹp ở Huế, gọi một ly cà phê đá. Tiếp viên hỏi mình dạ chú gọi cà phê Huế hay cà phê Sài gòn ạ? Mình ngạc nhiên hỏi lại cà phê Huế là răng, cà phê Sài gòn là răng? Dạ thưa chú cà phê Sài gòn đã pha sẵn, chú uống cháu đem ra ngay; cà phê Huế thì lượt bằng phin, chú phải chờ ạ!
    Chuyện cà phê còn dài dài vì chúng ta đang có cà phê võng, cà phê ôm, cà phê đèn mờ, cà phê dõm, cà phê bẩn… và thời thương hiện nay là cà phê rang xay tại chỗ nhưng hẹn dịp khác vậy.

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

TẢN MẠN


   TẢN  MẠN


   1/- Tuổi già: Già rồi thì nên biết để tự lượng sức mình. Trí óc không còn minh mẫn, cơ thể cũng đã suy yếu không thể chịu đựng một công việc nào đòi hỏi cố gắng về tinh thần cũng như thể chất, dù nhẹ nhàng. Vì vậy mọi chuyện không nên tính đường dài vì không có gì chắc chắn cả kể cả chuyện sinh tử của mình. Tôi đã không suy nghĩ kỹ điều này nên đã mong viết dài hơi Tôi Đi Học. Kết quả là thời gian qua tôi đã không viết được gì như ý. Xin lỗi các bạn.

   2/- Mắc kẹt: Cũng là do thiếu suy nghĩ cẩn thận tôi đã lâm vào một tình trạng thật buồn cười: tôi mắc kẹt trong công việc của mình! Khi bắt đầu viết Tôi Đi Học tôi chỉ nghĩ việc này cũng không phức tạp gì, chỉ là viết lại những gì vui buồn còn nhớ về những ngày tháng ngày hai buổi cắp sách đến trường. Nhưng mới chỉ viết được có 4 đoạn ngắn tôi đã thấy có sự không ổn vì những kỷ niệm buồn vui đó có cái không liên hệ gì đến chuyện đi học! Vì thế chỉ một hai bài bạn Rum đã có comment: “Sao viết Tôi Đi Học mà chỉ nói chuyện ăn uống không vậy? Nguho đúng là có tâm hồn ăn uống!” Tôi thấy mình đã vô tình lâm vào một tình trạng khó xử: viết tiếp thì không đúng với chủ đề nêu ra từ đầu! Phải chi tôi đã viết Thời Thơ Ấu thay vì Tôi Đi Học thì cũng đỡ khổ phần nào! Từ nay tôi chỉ xin dùng những tiểu đề dù nội dung có thể liên hệ nhau nhiều ít. Như vậy thì khỏi kẹt gì cả!

   3/- Cơm Âm Phủ: Lại chuyện ăn uống? Đúng vậy. Nếu tôi nhớ không lầm thì Quách Mạc Nhược(hay Lỗ Tấn?) đã nói thế này(đại ý): Đường đến trái tim gần nhất là qua bao tử!(Nếu sai xin các bạn sửa giùm-Cám ơn).
   Ngày hôm qua được đi ăn cơm khách – Ôi, sao độ này có lộc ăn thế cứ “Ba ngày một tiểu yến, bảy ngày một đại yến”! Món Cơm Âm Phủ của gia chủ (là một người đẹp của phố Hàng Me,Huế ngày xưa) đã được thực khách khen ngợi hết lời. Đặc sản này của Huế đây là lần thứ hai trong đời mình được thưởng thức. Nhìn thì cũng đơn giản nhưng đẹp mắt: Thịt heo nướng, nem, chả, trứng tráng, tất cả đều thái chỉ; kèm dưa chua, rau é quế, tôm chà bông. Riêng cơm thì mình chịu, chỉ thấy hạt cơm thơm,dẽo, béo…Nếu hơi nhạt thì thêm nước mắm chua ngọt hay nước tương( vị tâm).

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

TÔI ĐI HỌC (tt-4)



      TÔI  ĐI  HỌC    (tt-4)


Con đường làng, ngang chừng 4m, hai bên lẫn cỏ mọc với phân trâu, chạy về phía Nam chừng 300m thì gặp con đường cái quan trải lổn nhổn đá đỏ. Rẽ tay phải, về hướng Đông, là con đường tôi đi học hằng ngày hai năm lớp Nhì và lớp Nhất; rẽ tay phải, về hướng Tây là con đường lên thành phố Huế, sau này tôi sẽ lên về hằng ngày, hay hằng tuần để đi học Trung học.
   Những ngày tháng mùa thu mát mẻ, đẹp trời sau ngày tựu trường qua nhanh. Mùa đông xứ Huế lạnh lẽo với con đường trải đá đỏ, ngày hai buổi đi học, nghĩa là bốn bận đi về, thực sự là một thách thức đối với một thằng bé còn nhiều chất phố thị, chưa quen với những gian khổ, thiếu thốn của cuộc sống ở làng quê như tôi. Con đường chạy giữa đồng không mông quạnh, một bên là những thửa ruộng xâm xấp nước, một bên là đầm nước và bên kia đầm cũng lại là những cánh đồng buồn thiu chỉ còn sót lại vài gốc rạ. Trên con đường đá đỏ, trong mưa gió khủng khiếp giữa cánh đồng mình không thể đi dép cho đỡ đau chân vì chân ướt nước nên dép cứ vuột ra mãi, mà hồi đó đâu có dép da, giày vải như bây giờ? Chỉ có dép lốp mới chịu được thôi, mà cũng ít người dùng. Nước mưa với gió cũng dán áo mưa vào hai bắp chân làm mình không thể đi nhanh và cũng chỉ một hai hôm là chiếc áo mưa bị xé rách toạt theo cùng bước chân. Thế mới thấy cái tiện dụng của cái áo tơi lá và chiếc nón lá nhà quê! Gió chiều nào thì xoay áo tơi về phía ấy và ấm ơi là ấm! Một tháng sau, Bà Nội tôi cũng đặt hàng để người ta chầm (kết lá bằng chỉ hay dây mây – chầm nón) cho tôi một cái tơi lá, thế nhưng hai bàn chân thì tôi cũng phải đi chân đất như các bạn khác.
   Để đỡ vất vả cho tôi, những ngày mưa lớn, lạnh nhiều, buổi sáng Mợ (Mẹ) tôi nấu thêm cơm bới vào cái cà mèn (gà mên) của lính với ít cá kho tiêu cho tôi xách theo ăn bữa trưa. Nhiều bạn khác cũng xách cơm theo ăn như tôi, nhưng họ mang theo cơm vắt trong mo cau cùng với ít muối mè hay muối đậu phụng.

. Buổi trưa ăn xong là khoảng thời gian rảnh rỗi rất vui, nhất là những khi không mưa hay tạnh mưa!
   Tuy vậy, trong cái lạnh lẽo của mùa đông xứ Huế, bữa cơm trưa mang theo không phải là dễ nuốt! Nhiều khi nuốt cục cơm mà có cảm tưởng như là nuốt phải một cục nước đá! Nó trôi đến đâu là biết đến đấy! Bà Nội tôi lại liên hệ với Mụ (Bà) Đinh, em chú bác ruột với Ông Nội tôi, lấy chồng có nhà gần trường cho tôi được ăn bữa cơm trưa nóng sốt những hôm tôi phải ở lại trường chờ học buổi chiều. Tuy nhiên, chỉ sau bữa cơm trưa đầu tiên, tối đó tôi xin với Bà tôi cho tôi không ăn cơm ở nhà Mụ Đinh nữa. Cả nhà hỏi mãi tôi mới thuật lại: ở nhà Mụ Đinh, người ta ăn canh không như nhà mình. Nhà mình muốn ăn canh phải chan (múc) canh vào chén mới ăn; ở nhà Mụ Đinh, ai muốn ăn canh thì bưng tô canh lên húp một cái “rột” xong để xuống cho người khác húp! Tôi không ăn được như vậy! Ba ngày sau chắc tới tai nhà Mụ Đinh, Mụ cho người nhà  buổi trưa ra trường dẫn tôi về nhà ăn cơm với món canh có muỗng, có vá múc canh đàng hoàng! Tuy vậy, tôi cũng chỉ ăn cơm ở nhà Mụ được vài ngày thì tôi dứt khoát không ăn nữa dù sau đó trời mưa lạnh cách mấy, dù cả nhà hỏi han, động viên này kia…tôi cũng nhất quyết không. Lý do: một buổi trưa đi học về sớm hơn thường lệ, tôi ghé nhà Mụ ăn và nghỉ trưa. Còn sớm nên mụ nhờ tôi lau giùm ít chén,bát để ăn cơm. Chỗ để chén, bát cách bếp nấu ăn của Mụ chưa đến hai bước chân. Trong khi tôi đang lau chén thì Mụ đang loay hoay với nồi canh. Không biết Mụ nêm nếm thế nào mà tôi nhìn thấy Mụ bốc mấy củ nén (một loại gia vị - có nơi gọi là hành tăm) cho vào miệng nhai nhai rồi “phù” một cái, Mụ nhổ cả búng hành tăm trong miệng vào nồi canh đang sôi trên bếp! Dĩ nhiên là bữa trưa hôm đó tôi không dám đụng đến món canh hấp dẫn của Mụ Đinh!

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

TÔI ĐI HỌC (tt)


        TÔI  ĐI  HỌC     (tt)


Trường Hải Diên Thanh là một trường quê nghèo, cách nhà tôi chừng 3 km, có 5 lớp nhưng ở 3 khu vực rải từ đầu đến cuối làng Hải Trình. Đầu làng, mượn nhà liêu của đình làng, có 2 lớp Hai và Ba. Cuối làng, mượn nhà dưới của một nhà thờ tộc của một họ trong làng làm lớp Một. Ở giữa làng là khu chính bố trí hai lớp Nhì và Nhất. Hai lớp này cùng học trong một nhà dài, quay lưng với nhau, ngăn lớp này và lớp kia bằng một bức màn đen và mỏng. Học bên này cứ nghe thông thống tiếng Thầy giáo bên kia giảng bài, học sinh ca hát…Trước khu vực này là một cái sân chơi nhỏ, nằm cặp con đường làng bằng đất và ngoài kia là con đầm dự trữ nước cho nông nghiệp dài từ làng tôi xuống đây và còn dài thêm vài cây số nữa, bề ngang  chừng 50m. Giờ chơi, chúng tôi ít khi chơi ở đây vì quá nhỏ mà thường sang chơi bên sân nhà thờ họ Hồ bên cạnh rộng và phẳng. Ngay ngày đầu tiên đi học, ra chơi ở sân này tôi suýt bị thằng Bốn đánh vì vẻ trắng trẻo, đẹp trai của con nhà thành thị. Thằng Bốn nổi tiếng du côn ở trường, lưu ban lớp Năm và lớn hơn tôi 2 tuổi. May mà có mấy thằng bạn cùng làng nhảy vào can và chạy vào “méc” thầy tôi. Thế nhưng chừng ba hôm sau, thằng Bốn phải theo mẹ  lên nhà tôi xin lỗi vì mẹ nó gọi ba tôi là anh, bà con chú bác ruột, và theo vai vế nó phải gọi tôi là anh! Từ đó thằng Bốn không bao giờ nhìn đến tôi và tôi được thoải mái học hành và nô đùa trong ngôi trường làng nghèo vì chẳng còn ai ăn hiếp tôi nữa!
     Lớp tôi có chừng ngoài 40 học sinh và được thầy chia làm 5 đội. Một đội nữ, 4 đội nam  là học sinh từ 4 làng đến đây theo học. Thầy chia như thể để chúng tôi có điều kiện sinh hoạt và học tập theo nhóm được thuận lợi. Lớp Bốn là Liên đội Bạch Đằng với bài hát Bạch Đằng Giang của Lưu Hữu Phước. Lớp Năm là Liên đội Lam Sơn với bài hát Nước Non Lam Sơn. Tên và bài hát của liên đội tùy học sinh chọn theo một số gợi ý của giáo viên chủ nhiệm. Cả hai bài hát này rất hay. Trước mỗi buổi học, học sinh phải đứng nghiêm hát Liên đội ca với sự dẫn giọng của lớp trưởng. Theo tôi, đây cũng là cách dạy lịch sử, hun đúc lòng yêu nước  cho các học sinh nhỏ tuổi.
    Dù là một trường làng nghèo nhưng hồi đó ít học sinh nên chúng tôi được học ngày hai buổi. Mỗi năm học mỗi học sinh chỉ phải nộp 3 đồng gọi là tiền Sinh hoạt hiệu đoàn. Sách giáo khoa gồm 5 cuốn: Toán, Quốc văn, Khoa học thường thức, Lịch sử và Địa lý. Những quyển sách này học sinh tự sắm hay có thể mượn của anh em hay bà con đã học những năm trước.Một tuần học năm ngày, thứ Năm và Chủ nhật nghỉ. Tiết đầu tiên của buổi học sáng luôn là hai môn Đức dục hay Công dân giáo dục. Mỗi sáng thứ hai giáo viên chủ nhiệm lại thay một câu cách ngôn mới trên bảng đen. Đây là những câu ca dao hay tục ngữ mà suốt tuần đó học sinh phải cố gắng học và hành như nội dung câu cách ngôn yêu cầu. Đại khái như: Lá lành đùm lá rách – Thương người như thể thương thân…Như vậy thời lượng dành cho giáo dục đạo đức nhiều hơn các môn khác nhiều.
   Bước vào năm lớp Nhì này chúng tôi được học một môn học mới mà chúng tôi thấy khó nuốt vì chẳng hiểu gì cả! Đó là Pháp văn. Thực dân Pháp đã không còn trên đất Việt nhưng ảnh hưởng văn hóa của họ vẫn còn. Thời gian này Anh văn chưa được dạy ở cấp tiểu học. Ở đây tôi nhớ một kỷ niệm vui vui. Cùng làng và học chung lớp với tôi có thằng Lắm. Ba nó ngày xưa, khi còn mồ ma thực dân, làm bồi cho người Pháp. Đại khái công việc của Ông ta  như là Osin vậy. Thời gian ông ta làm bồi chắc cũng lâu nên ông ta có thể nghe và nói tiếng Pháp bồi (loại tiếng chẳng có câu kéo, ngữ pháp gì). Từ khi biết thằng Lắm con ông học Pháp văn ông ta rất khoái và tự hào về vốn tiếng Pháp của mình. Một bữa tôi đến nhà thằng Lắm chơi gặp khi ba nó đang kiểm tra Pháp văn của con.với cái roi trong tay:
-         Cái nhà tiếng Pháp nói răng?
-         La maison.
-         Quyển sách nói răng?
-         Le livre
-         Cái nồi?
-         Con không biết.
-         Răng không biết. Học mà không biết à? Một roi. Vụt!
   Thằng Lắm oằn người vì roi của ba nó.
-         Cái chảo nói răng?
-         Ừ…ừ…con chưa học.
-         Răng chưa học? Học Pháp văn mà nói chưa học!? Một roi. Vút!

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

TÔI ĐI HỌC (tt)

        TÔI ĐI HỌC    (tt)


   Mùa hè năm lớp Ba tôi phải xa trường Thượng Tứ vì Cậu Mợ tôi (Ba Mẹ) thất bại trong kinh doanh, cả gia đình,  trừ Cậu tôi, phải trở về quê cũ. Vậy là  chiều chiều tôi không còn được vào Ba Viên nhổ me đất cho mẹ nấu canh chua; không còn cùng các bạn đá banh 4 gôn trên nhà bát giác;  vào mùa hè, ban đêm, không còn được cùng chúng bạn chia phe chơi đánh trận giả; không còn  mỗi sáng mùa thu, thật sớm, chạy lên đường Đoàn Thị Điểm nhặt những bông phượng rơi, chưa nở, về  lấy các nhị đực đá gà cùng chúng bạn; không còn thứ bảy hay chủ nhật lê la ở các rạp chiếu phim Tân Tân, Châu Tinh…để xin các tờ programme tường thuật các truyện phim về làm sưu tập; không còn mỗi sáng chủ nhật sinh hoạt Hướng Đạo trong khuông viên Tam Tòa thuộc bầy An Tiêm của Anh A-kê-la Hà Thúc Tuân. Phải 4 năm sau, khi lên lớp Đệ Ngũ (lớp 8 bây giờ) tôi mới trở lại Huế, trở lại trường Bồ Đề, từng ngày, từng giờ sống với nó dù chẳng còn mấy bạn xưa, thầy cũ.
   Nhưng miền quê đã nhanh chóng cuốn lấy một thằng bé thành thị yếu ớt , ngu ngơ và vô dụng là tôi. Chỉ có cái học là tôi hơn những đứa bạn cùng lứa tuổi còn trong thực tế cuộc sống nông thôn, ruộng rẫy tôi chẳng biết gì cả! Cuộc sống ở thôn làng tuy thiếu thốn, nghèo khó như không điện, không nước máy, không xi-nê, không xe hơi và ít xe đạp…nhưng nó lại có nhiều thứ hấp dẫn rất nhiều một thằng con nít tiểu học. Quả thật tôi đã từng thèm thuồng những kỹ năng sống của một thắng bé nhà quê! Đơn giản như nó có thể leo và cởi một con trâu, nằm trên lưng trâu, đua trâu nhưng tôi thì không biết làm gì với nó và chỉ còn biết đứng từ xa mà nhìn vì…sợ trâu! Một thằng bé nhà quê có thể trèo cây bắt tổ chim; bơi lội, cút bắt dưới sông; ra ruộng đắp đập tát nước bắt cá, ra sông câu cá, chèo ghe…và biết bao điều hấp dẫn khác! Một thằng bé thành thị biết làm gì bây giờ? Bởi vậy hồi đó tôi đã thấy thích bài hát của Phạm Duy: “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ…”! Ở quê tôi người lớn hay nhát (dọa) trẻ con:” Mày mà nhát học (làm biếng học) thì cho mày đi chự (giữ) trâu!”. Nhưng ngay mùa hè đâu tiên tôi đã thích đi chự trâu hơn đi học!
   Cuối hè, Mẹ tôi xin cho tôi vào học trường Hải Diên Thanh và để tiện xếp lớp Ông Hiệu trưởng bắt tôi phải thi vào lớp dù chỉ có chưa tới mươi học sinh chuyển trường. Kết quả, tôi xếp thứ 2. Chị Điệp cũng thi vào lớp Nhì như tôi nhưng hơn tôi một điểm và xếp thứ nhất. Nhưng tôi chẳng buồn tí nào vì chị lớn tuổi hơn tôi nhiều, đã có mông có ngực, có dáng của một thiếu nữ đã trưởng thành. Quả thực, chị Điệp chỉ học chung với tôi một năm lớp nhì và nửa năm lớp nhất là có người đi cưới chị! Chắc ngày chị Điệp đi lấy chồng lớp tôi chẳng có ai buồn vì thất tình. Còn tôi chắc chắn là không.
  
    

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

MILA CỦA TÔI

       MILA CỦA TÔI

   
   Mila là con chó lông xù giống Nhật tôi nuôi đã 14 hay 15 năm. Với giống chó ở cái tuổi đó là rất già, nhưng Mila của tôi nhìn thì chẳng già chút nào. Nó chỉ kén ăn hơn xưa nhưng lông lá vẫn xù   và mập. Nó là chó đực lại đẹp mã nên mấy đứa con trong nhà gọi nó là Chàng Đẹp Trai!  Vì thỉnh thoảng cũng gọi nó bằng cái tên này nên gọi nó bằng name hay nickname nó đều hiểu. Để tôi kể bạn nghe sơ sơ về cái Sơ yếu Lý Lịch của nó cho có trước có sau và như thế bạn sẽ hiểu tình cảm mà các thành viên gia đình tôi dành cho nó.
   Tôi mua Milu, mẹ Mila, giá 350 000đồng (thời giá 19 năm trước) ở sau công viên Lưu Hữu Phước, Cần Thơ, khi nó còn bé tí, mới biết ăn. Một năm sau Milu đẻ được 5 con. Chủ chó giống được ưu tiên bắt trước một con đẹp nhất, em trai tôi xin một con đem về Cao Lãnh, còn ba con Mina (chị Hai), Minu (anh Tư) và Mila (em Út) ba đứa con tôi cương quyết giữ lại, mỗi đứa một con, không chịu cho ai. Mina, mập, lông trắng điểm ít vàng, giống mẹ Milu là rất hiền và dễ ăn, cho gì ăn nấy và cũng có các tài lẻ của mẹ là biết đứng thẳng trên hai chân sau còn hai “tay” thì lạy lia lịa hoặc biết chạy tha về một đồ vật mà chủ ném ra xa. Minu lông đốm trắng vàng, rất dữ, đuôi trắng luôn cuốn lại làm thành một bành lông trắng rất đẹp, miệng hơi hô, mũi hay hước lên nhăn nhăn nên mấy đứa con tôi đặt cho nó cái tên Thằng Khinh Đời. Mila có lông vàng tuyền và dù là giống chó xù Nhật nhưng to con, kén ăn và nhát gan, hể bị la rầy (kể cả la rầy những con khác)là nó run rẩy chun vào trốn ở các góc khuất trong nhà. Theo thời gian chỉ còn Mila còn sống đến hôm nay, mẹ và các anh chị của nó đều lần lượt bệnh chết.
   Sáng nào cũng vậy, khi điện thoại báo 5 giờ kém 15 là tôi thức dậy ra đầu hẻm tập thể dục và như thường lệ luôn có Mila đi theo. Chó nuôi nhốt trong nhà nên Mila rất thích theo tôi sáng chiều đi bộ hay tập thể dục; hơn nữa nó cũng nhân dịp đó mà vệ sinh cá nhân. Tôi đứng tập trên hè phố, Mila thường đi loanh quanh gần tôi. Sáng nay khi tôi đang bắt đầu tập động tác thứ ba, Mila đứng dưới đường trước mặt tôi cách chừng ngoài 2m. Bổng có tiếng xe gắn máy tay ga chạy đến rất nhanh rồi nghe “ít” một tiếng nhỏ và bóng Mila chạy rất nhanh đằng sau chiếc xe gắn máy. Thoạt đầu tôi nghĩ sao Mila hôm nay dữ thế, dám  rượt theo người ta đòi cắn! Nhìn lại, thấy Mila càng lúc chạy càng gần đằng sau chiếc xe gắn máy, hai chân trước duỗi thẳng ra đằng trước, phía sau đuôi thì thấp hẳn xuống không giống động tác chạy của mấy chú cẩu. Trong một thoáng tôi hiểu chuyện gì đã xẩy ra, bước theo được ba bước và ú ớ “Ê,ê”. Nhìn theo chỉ còn thấy người ngồi sau xe gắn máy quay mặt lui nhìn tôi và bóng Mila vẫn lê lết dưới đất.
   Tôi viết những dòng này sau khi mất Mila và hãy còn xúc động vì cái chết bất ngờ và đau đớn của nó. Và tôi hiểu được tại sao thời gian gần đây báo chí lên tiếng về tình trạng bà con miền ngoài hay đánh chết kẻ trộm chó. Tôi thương Mila nhưng không phải kiểu thương của người thuê Thầy tu tụng kinh cầu siêu cho chó; tôi nuôi Mila dĩ nhiên không phải để thịt hay như một tài sản nhỏ để dành khi khó khăn. Tôi và các con trong nhà coi nó là một con thú cưng vậy thôi. Tuổi già nuôi chó, nuôi mèo, nuôi chim, nuôi cá…cũng chỉ để cho có việc mà làm vì thời gian rãnh quá nhiều và để khỏi stress. Bà con bức xúc vì mất, có thể coi như, một thành phần trong gia đình hay một tài sản, nhưng dù sao chó vẫn là chó, và chỉ vì con chó mà đánh chết người là chuyện không phải, không nên chút nào. Trường hợp tôi mất Mila sáng nay, theo tôi, không phải là bị trộm như người ta và báo chí thường gọi. Phải gọi là bị cướp mới đúng. Và theo tôi, nếu Nhà Nước không có cách quản lý thích hợp thì máu của kẻ trộm, cướp chó và kể cả máu của người nuôi chó còn chảy (đã xẩy ra và biết đâu nếu sáng nay tôi phát hiện sớm, chạy theo để cứu Mila tôi đã có thể ăn đạn súng hoa cải?). Tôi nghĩ Nhà Nước phải tìm cách quản lý đầu vào của các tiệm kinh doanh cửa hàng ăn uống dù là Phở, Bún…và kể cả những tiệm “A, Đây Rồi”,”Cờ Tây”,”Tiểu Hổ” thì mới mong hạn chế dần và lần hồi đi đến chấm dứt những cái chết vô ích và vô lý liên quan đến con chó.
Vậy là từ nay mỗi sáng chiều không còn Mila lửng thửng theo bước chân tôi đi tập thể dục, hay mỗi ngày khi tôi đi đâu về không còn nó đứng chờ tôi ở cổng rào, chào đón tôi với cái đuôi vẫy lia lịa, miệng thì kêu ăng ẳng khe khẻ.
MILA. RIP.

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

TÔI ĐI HỌC

           TÔI ĐI HỌC   (1)


    “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc,…” Có lẽ nhiều người trong chúng ta thuộc lòng hay ít nhất đã đọc qua đoạn văn rất hay này của Thanh Tịnh. Những kỷ niệm trong sáng của buổi đầu tiên đi học được tác giả ghi lại đã làm say mê biết bao con tim nhỏ bé của những học sinh cuối cấp tiểu học của thế hệ chúng tôi hơn 50 năm trước. Những bài học thuộc lòng ở cấp tiểu học thường là những bài thơ hay có tác dụng giáo dục tình cảm, đạo đức, nhưng đoạn văn trong truyện ngắn Tôi Đi Học này của Thanh Tịnh, dù là văn xuôi, nhưng hay đến nỗi tôi thấy nó được chọn trong nhiều sách giáo khoa của nhiều thế hệ học sinh khác nhau. Sau hàng nửa thế kỷ, bây giờ nhắm mắt lại tôi vẫn có thể đọc thuộc lòng đoạn văn ngày xưa đã học và vẫn thấy con tim mình rung động như ngày mới học. Thế mới thấy được hiệu quả, tác dụng lâu dài và bền bỉ của giáo dục.
   Xin lỗi các bạn tôi vào đề có hơi bị dông dài, luộm thuộm nhưng vì mỗi khi nghĩ đến ba chữ “tôi đi học” tôi lại nhớ đến đoạn văn đã học ngày xưa. Vậy , ngày xưa tôi đi học thế nào?
   Năm năm tiểu học tôi đã phải học qua ba trường khác nhau. Hồi đó nhà chúng tôi ở đường Đinh Tiên Hoàng bây giờ, đối diện với vườn hoa Ba Viên, và tôi học lớp Năm (lớp một) ở trường Bồ Đề Thành Nội, Huế ( Trường Quang Trung bây giờ ?). Đây là một trường tư thục thuộc Giáo Hội Phật Giáo và học phí bao nhiêu tôi không nhớ nhưng chắc không nhiều.Tôi chẳng còn nhớ gì nhiều giai đoạn này, chỉ nhớ mình học trong những phòng học lợp tôn, vách tôn và có một cô chủ nhiệm tên C. rất “hắc”. Cô là vợ của thầy TTDT dạy trung học cùng trường. Trên bàn cô khi nào cũng có trên mười cây thước. Thước kẻ ngày xưa luôn làm bằng gỗ dài chừng 20 đến 30cm tiết diện vuông cạnh 01cm. Cô dùng những cây thước này để ném những học sinh nói chuyện trong lớp và cô ném rất hay, nhưng thỉnh thoảng cũng trật mục tiêu! Vì vậy khi những cây thước gỗ “đi lạc”văng vào vách tôn lại kêu ầm, ầm! Tôi cũng đã mấy lần “ăn” những cây thước này vì ham nói chuyện! Sau này học sư phạm, ra trường đi dạy, tôi không hiểu nỗi tại sao ngày đó Cô lại có phương pháp quản lý lớp kỳ lạ như vậy?
      Hai năm học kế tiếp Ba tôi xin cho tôi vào học trường tiểu học công lập Thượng Tứ,lý do: để khỏi phải đóng học phí hằng tháng và để được gần nhà hơn vì lúc này gia đình chúng tôi đã chuyển về ở đường Tống Duy Tân: nhà cách trường chừng vài trăm thước, chỉ phải đi qua cửa Thượng Tứ. Tôi cũng không nhớ gì nhiều về ngôi trường mới. Một điều còn nhớ là ngày hai lần khi đi học và lúc tan trường, khi nào cũng phải đi qua tiệm bánh khoái (tương tự như bánh xèo nhưng nhỏ hơn) Lạc Thiện nổi tiếng ở Huế! Nhất là khi tan trường vì lúc này sau buổi học, bụng đã đói mà mùi chiên bánh cứ thơm sực nức trong không khí! Điều còn nhớ thứ hai là nhà Mụ Cai (Vợ người Cai trường = Bảo vệ trường bây giờ) ở cạnh Lớp Ba tôi học thỉnh thoảng trong giờ ra chơi có bán bánh bột lọc (bánh quai vạc) rất ngon! Những cái bánh bột lọc trong vắt nhìn rõ cả con tôm đỏ và miếng thịt trắng bên trong! Và đặc biệt là đôi khi được ăn miễn phí vì chỉ một mình mụ Cai bán bánh nhưng có hằng chục đứa học trò ranh ma vây quanh, chìa tay trước mắt mụ dù có tiền hay không. Một mình mụ nên chắc đôi khi cũng “hoa mắt”, không biết đứa nào đã trả tiền, đứa nào không nên mụ thấy có tay chìa ra là đặt vào đó chén bánh có nước mắm đàng hoàng! Vị ngon của những chén bánh ngày xưa sao bây giờ vẫn thấy như còn nằm trong miệng!
 Một điều còn nhớ thứ ba, trước khi đi học, tôi cố năn nỉ mẹ để xin một đồng quà vặt. Vâng, ngày đó đi học chỉ xin một đồng thôi. Vì 5 đồng là giá của một tô bún bò có cái giò heo ngon lành! Có một đồng lận lưng đi học là rất sung sướng! Tuy vậy đến trường dù thèm bánh kẹo cỡ nào cũng cố nhịn để dành tiền khi về ghé vào trường Trần Quốc Toản. Trước cổng trường này, sát hàng rào, có một cây nhãn rất lớn bên dưới có một xe bán xi rô, nước ngọt của một ông già hói đầu và bán xi rô rất ngon! Mỗi chiều đi học về, khi có tiền, ghé vào thưởng thức một ly xy rô màu đỏ, có nhiều hạt é và những sợi xu xoa (rau câu) mát lạnh thật sướng hơn tiên!
  

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

CHUYỆN XÓM TÔI (tt)

         CHUYỆN XÓM TÔI   (tt)


    Chẳng biết viết gì kể bạn nghe, thôi thì đem chuyện hàng xóm của mình  ra “nói xấu” vậy. Thực tâm mình chẳng muốn nói xấu ai, chỉ là kể ra cho vui hoặc cũng có thể phản ánh đúng suy nghĩ của mình về những người láng giềng mà mình ra vào gặp gỡ hay nhìn thấy hằng ngày.
    Như đã nhiều lần kể cùng các bạn, nhà mình ở cuối một con hẻm cụt , rộng chừng 2m và dài khoảng 60m, mặt trước nhà mình nhìn ra con hẻm. Đầu hẻm, cả hai bên trái và phải đều không có nhà vì đều là hông của hai căn nhà mặt tiền. Bên trái hẻm có ba căn nhà rồi đến nhà mình; bên phải chỉ có một căn nhà nhỏ một lầu khá xinh đang kêu bán và tiếp đó là mảnh vườn nhỏ dài chừng 30m được trồng nhiều chuối và một cây khế chua mà thỉnh thoảng mình xin ít trái để làm gỏi hay nấu canh thịt bò.. Mảnh vườn này ở bên hông phải nhà mình,chủ vườn là một ông hưu trí lớn hơn mình chừng nửa con giáp. Vườn nhà ông ngăn cách với con hẻm bằng một bức tường gạch xây không tô cao chừng 1,20m,, từ trong hẻm có thể nhìn sang vườn, nhà ông rõ ràng còn hơn nhìn ra đầu hẻm. Ông ở một mình, con trai và gái của ông đều là những người thành đạt và đều có nhà cửa riêng bên các quận trung tâm thành phố; vợ ông ở với các con để tiện chăm sóc cháu, thỉnh thoảng vài tháng bà lại mang quà sang thăm ông. Nghĩ cũng tội, lớn tuổi, nhà rộng, vườn cây im mát, so với độ tuổi, sức khỏe như vậy là tương đối tốt, nhưng ông thui thủi một mình và …buồn? Có lẽ vì buồn, vì thiếu và thèm bàn tay chăm sóc của người đàn bà nên ông sinh “tật”(?). Người ta thường thấy, hằng ngày, trong trang phục của Adam, ông đi lui đi tới trong vườn nhổ cỏ, quét lá, tưới cây! Không ít hơn một lần tôi nghe các bà góa trong xóm thuật lại: Chú biết không, ổng kêu tui lại và bảo: “Tối nay anh chờ nghe. Khi nào em đến nhớ mặc đồ bộ.”!!!
    Bên trái hẻm,liên tiếp hai căn, là nhà của hai anh em ruột. Họ trước ở Thủ Thiêm, nhà giải tỏa  cả nhà về đây mua nhà mới. Bố mẹ ở ngoài mặt tiền, hai người con trai được song thân mua cho căn nhà trong hẻm, chia hai mỗi người được 10m dài. Cả hai đều là lao động chân tay, đã lập gia đình và mỗi người đều có hai con, nếp tẻ đầy đủ. Chuyện chẳng có gì mà nói nếu hai bà chủ nhà trẻ tuổi để ý hơn đến cách chăm sóc nhà cửa, nhất là bà vợ của người con trai lớn. Như người láng giềng của tôi mô tả chị nầy:bầy hầy! Trước cửa nhà này hiếm khi mà thấy không có rác! Nhiều lần tôi thấy chị ta quét nhà, đến bậu cửa là hất rác thẳng ra con hẻm! Hai nhà này cũng ồn ào nhất xóm. Vài ba ngày lại tụ tập bạn bè ăn nhậu và sau đó là karaoke mở hết volume suốt buổi! Đúng là xui khi có hai ông láng giềng này!
   

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

CHUYỆN XÓM TÔI



       CHUYỆN XÓM TÔI


   Con người thường tự làm khổ mình, không biết cái giới hạn giữa cái muốn và cái đủ. Vì thế cho nên con người thường “đứng núi này, trông núi nọ”. Đã có thì muốn có nhiều hơn; đã có thí muốn có cái đẹp hơn, tốt hơn và như thế con người tự làm khổ mình, tự tạo địa ngục ngay chính trong cuộc sống này chứ đâu phải ở bên kia, sau khi chết. Cũng vì thế người ta thường nói:” Hạnh phúc là bằng lòng với những gì mình đang có”, “Biết đủ là đủ”.
   Sở dĩ tôi nói vòng vo và hơi triết lý về cuộc đời một chút vì những câu chuyện có thật trong xóm mà nhiều người có những cách nhìn khác nhau và cũng có người không hẳn đã đồng ý với tôi.
   Chuyện về hai người đàn bà. Cả hai đều đã già, trên dưới 70, nhiều người gọi họ là “bị trời đày”! Bởi vì họ có cách sống không giống ai, ít ra là đối với hấu hết mọi người trong xóm.
   Bà lão thứ nhất khá đẹp lão. Người ta bảo ngày xưa bà rất giàu nhưng “vật đổi sao dời”, nay bà ta chẳng còn gì. Hiện bà sống với các con, trai và gái có đủ, tất cả đều là công nhân ở nhà mướn trong xóm. Các con của bà nuôi bà theo khả năng của họ nghĩa là cơm ăn,áo mặc, nhưng hình như bà muốn nhiều hơn, bà không chịu được những thiếu thốn vì các con của bà không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của bà. Và thế là gần hai năm nay bà đi xin ăn, chủ yếu là ở trong xóm và hai ba đường, xóm gần đấy. Hằng ngày bà ngồi vạ vật xin ăn (chỉ xin tiền) trước hiên, trước cổng các nhà trong xóm từ sáng đến khi lên đèn! Hồi đầu thì người ta cũng cho, nhưng rồi người ta cũng nản vì không ai muốn nuôi không bà ta, và người ta thấy bà ta làm thế cũng không đúng, không tội nghiệp cho các con của mình mang tiếng có mẹ già mà không nuôi!
   Bà lão thứ hai không đi ăn xin nhưng ngày hai lần sáng và trưa, dù mưa hay nắng, bà ta đi lục lọi các thùng rác trong xóm để nhặt nhạnh những gì có thể để bán cho dân”Ve,Chai,Mủ Bể”(đồng nát) dù bà đang ở trong căn nhà lầu 3 tấm, bề thế chẳng kém những “đại gia” trong xóm. Mục đích của bà là “uống cà phê, ăn hủ tiếu” bữa sáng đỡ tốn tiền!
   Ôi,lạ thật, cái ham, cái muốn của con người!

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

MỆT MỎI

         MỆT MỎI


    Gần suốt tuần, sáng nào mình cũng điểm tâm bằng cơm tấm hay xôi gà. Khi làm biếng thì làm một tô mì ăn liền không chiên Nissin với hột gà và xúc xích. Lý do là liên tiếp cả tuấn nay báo giấy và báo mạng lên tiếng đánh động về sự nhiễm độc chất tinopal và nhiều chất tẩy và chống hư, mốc… trong bún, phở, bánh canh, hủ tiếu, bánh hỏi, bánh ướt…ở Sài Gòn. Theo báo chí, tinopal là một hóa chất công nghiệp tăng trắng quang học xử dụng trong sản xuất giấy, bột giặt; là chất bộ Y Tế cấm trong sản xuất thực phẩm. Khi đi vào cơ thể, tinopal làm loét đường tiêu hóa, suy gan, suy thận! Thế nhưng để cạnh tranh vì sản phẩm sẽ sáng, sẽ trắng, các lò sản xuất các loại thực phẩm này đã không ngần ngại thêm hóa chất công nghiệp bị cấm này vào sản phẩm. Vậy thì để cho an toàn chỉ có cơm và xôi là chắc ăn nhất!
   Nhưng miếng thịt bạn đưa vào miệng chưa chắc hội đủ điều kiện vệ sinh an toàn thưc phẩm dù miếng thịt đó bạn mua ở những nguồn cung khác nhau, có cơ quan hữu quan xác nhận là thịt sạch. Bằng chứng là Phó trạm thú y Trảng Bom , Đồng Nai, là người đã hợp thức hóa thịt lậu của con buôn bằng chính con dấu kiểm tra thú y mà y có nhiệm vụ chỉ đóng lên những miếng thịt sạch! Thậm chí con dấu đó y còn đưa cho tài xế xe chở thịt lậu muống đóng vào thịt nào thì đóng!
   Mấy hôm nay báo chí cũng đưa tin 100% thức uống đường phố ở SG này như trà chanh, nước mía… nhiễm khuẩn!
   Thế cho nên bây giờ chẳng biết sống thế nào cho an toàn. Ăn thịt, ăn rau gì cũng nhiễm hóa chất độc hại; uống cũng nhiễm bẩn dễ sinh bệnh đường ruột; ra đường dù có cẩn thận cách mấy cũng có thể bị xe đụng, hay nhẹ hơn là bị cướp, bị trấn lột…!
  
  
  

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

CÔNG DUNG NGÔN HẠNH THẾ À?



              CÔNG DUNG NGÔN HẠNH THẾ À ?


   Chân lý có nhiều giá trị cũng thay đổi theo thời gian. Dĩ nhiên không xoành xoạch đổi thay như thời trang của các Cô, các Chị ngày nay, nhưng người phụ nữ gắn với Công Dung Ngôn Hạnh thời phong kiến ở Trung Hoa và Việt Nam xưa tưởng như bất biến, qua mấy ngàn năm giờ đã thay đổi và trong một vài trường hợp nó chẳng còn chút giá trị gì. Ngày nay chẳng ai đòi hỏi Nam phải “tam cương ngũ thường” và nữ phải “tam tòng tứ đức”. Tuy nhiên, theo tôi, tứ đức đối với phụ nữ bây giờ vẫn còn nhiều giá trị vì Công Dung Ngôn Hạnh chỉ làm cho người phụ nữ đẹp càng thêm đẹp dù bây giờ là thời đại của @ và kỹ thuật số…
    Vậy “Công Dung Ngôn Hạnh” là gì? Để nhẹ nhàng cho vui tôi xin phép copy định nghĩa cà rỡn của bạn Shan Shin (trên mạng):
Ngày xưa, phụ nữ phải thực hiện "tam tòng tứ đức".
Tam tòng là "tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử" tức là khi chưa lấy chồng thì nghe theo cha, lấy chồng thì nghe theo chồng, nếu chồng chết thì nghe theo con trai.
Tứ đức là "công, dung, ngôn, hạnh":
CÔNG: giỏi làm món nhậu
DUNG: mặt mũi dễ nhìn
NGÔN: ăn nói dễ nghe
HẠNH: cấm liếc ông hàng xóm

   Kakaka…Ở đây tôi chỉ xin bàn đến tứ đức. Bạn Shan Shin đã có một định nghĩ rất buồn cười mà tôi xin trích để “thư giãn” một chút, thực tế từ đây ta có thể nôm na suy ra:
   Công: sự khéo tay của người nữ trong công việc gia đình,
   Dung: sự chăm sóc cái đẹp mặt mũi, cơ thể,
   Ngôn : lời ăn, tiếng nói dịu dàng, dễ nghe, lịch sự, lễ phép
   Hạnh : nết na, đạo đức…
   Có thể có nhiều bạn không đồng ý vì đây là những qui định đã xưa cũ, nhưng theo tôi, phụ nữ, dù ở thời đại nào cũng nên biết nấu một bữa ăn ngon cho gia đình; mặt mày xinh đẹp; ăn nói mềm mỏng,duyên dáng, dễ nghe và …không được liếc ông hàng xóm!!! Chuyện làm đẹp thì bà nào, cô nào cũng thích; ăn nói thì học cũng được, bắt chước thì cũng ngày càng khá hơn nhưng không lý khi đã có gia đình ngày nào cũng đi nhà hàng, ăn cơm tiệm; hơn  nữa khi chữ “công” đã giỏi thì dễ dàng sai bảo osin còn nếu không biết chút gì, khoán trắng cho cho họ 100% thì sẽ ngon cũng ăn,dở cũng ăn!
   Sở dĩ hôm nay tôi đề cập đến vấn đề này vì cái ông hàng xóm của tôi có cách dạy con gái mà theo tôi là rất lạ!
   Ông ta trước kia buôn phế liệu, vợ là thợ may. Hai người có cô con gái tên Thu rất xinh, năm nay là học sinh lớp 11. Ở đây xin mở một dấu ngoặc. Hồi trước ông nội của Thu, là một người thợ lao động chân tay, rất yêu vợ. Từ khi tôi về Sài Gòn (đã 8 năm) và làm hàng xóm của Ông ,thấy Ông là người đi chợ, nấu ăn, làm mọi chuyện nội trợ trong gia đình; còn bà chỉ trông coi quán cà phê cóc và trau dồi làm đẹp. Ông mất đã 5 năm vì ung thư phổi, bà cũng dẹp quán cà phê, bán đất lấy tiền gửi ngân hàng và sống trên lãi suất của món tiền đã gửi. Mọi người trong xóm và nhất là các con của bà đều cho là bà sống sung sướng, một đời luôn có người cơm dâng, nước rót mà chẳng phải động tay, động chân vất vả!
   Trở lại với cháu Thu, ngoài những giờ đi học ở trường, ở nhà cháu không học hành mà cũng chẳng làm chút việc nhà nào. Lúc nào đi ngang qua nhà cũng thấy Thu ngồi chơi games hay chat chít gì đó trên điện thoại. “Công việc” duy nhất mà ba má giao cho cháu Thu làm là đổ đầy nước các khay đá trong tủ lạnh sau khi đã lấy đá dùng. Có người trong xóm thấy vậy đã hỏi ba má cháu và bảo sao không tập cho cháu làm việc nhà cho quen tay, biết việc thì đều được họ trả lời:” Biết làm gì cho cực? Không cần biết gì hết sau này sẽ sướng, sẽ khỏi làm gì cả, sẽ có người phục vụ như bà nội của nó đó!”
   Phải vậy không? Không cần Công Dung Ngôn Hạnh gì hết!!!???

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

ÔI HUẾ CỦA TA

        ÔI HUẾ CÙA TA!


      Một buổi chiều hè năm ngoái, tôi cùng P, một người bạn rất thân, về đường Trịnh Công Sơn để “làm” vài chai Huda, một loại bia nổi tiếng ở Huế. Đây là một con đường đẹp mới mở vài năm gần đây. Đường chạy dọc theo bờ sông Hương với bãi cỏ dài xanh mướt mà bên kia là một cù lao nhỏ giữa sông nổi tiếng với món chè bắp Cồn Hến. Người ta bảo Hàn Mặc Tử làm bài thơ Đây Thôn Vỹ Dạ khi chưa đến Huế, nhưng đứng trước sông này nước này có lẽ không có câu thơ nào mô tả cảnh đẹp này hay hơn:
   Gió theo lối gió mây đường mây,
   Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay,
   Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
   Có chở trăng về kịp tối nay?
   Vừa ngồi lên ghế trên bãi cỏ mượt, bạn tôi vừa khoát tay chỉ những dãy nhà cao tầng sau những rặng cây bên kia sông bảo tôi tự hào:
  Mi coi bên tê nhà cao tầng có kém chi Sài Gòn của mi không?
  Tôi buồn bã không trả lời bạn mình. Tôi dám chắc những người con xứ Huế tha phương không ai mong đợi một sự thay đổi đánh mất mình như Huế bây giờ.
   Đồng ý là nhiều thay đổi đã làm cuộc sống của người dân tiện nghi hơn: khắp thành phố Huế, khắp tỉnh Thừa Thiên-Huế bây giờ đường bê tông nhựa chạy đến tận mỗi xã, mỗi thôn, và cùng với đường nhựa là điện, là nước sạch của Thủy cục Huế. Học sinh đi học, gần thì xe đạp, xa thì xe gắn mày; (không như tôi ngày xưa, khi còn học tiểu học chỉ toàn cuốc bộ, đường trải đá và từ nhà tới trường gần 5 km!) Và còn nhiều thứ tiện ích khác nữa…làm đời sống tiện nghi, thoải mái hơn.
   Thế nhưng quá trình đô thị hóa cũng đã làm biến dạng Huế rất nhiều làm những người con đi xa về lòng ngậm ngùi, tiếc nuối!
   Cũng trong bài thơ Đây Thôn Vỹ Dạ của thi sĩ họ Hàn:
   Sao anh không về chơi thôn Vỹ,
   Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên,
   Vườn ai mướt quá xanh như ngọc,
   Lá trúc che ngang mặt chữ điền?
  Bây giờ, con đường đi qua thôn Vỹ, suốt dọc từ Đập Đá đến Chợ Nọ và xa hơn, còn đâu nữa những hàng cau thắp nắng, còn đâu nữa những hàng tre, khóm trúc che ngang mặt chữ điền? Bây giờ hai bên đường nhà cao tầng san sát: khách sạn, nhà hàng, quán nhậu, karaoke, nhà nghỉ…Và còn đâu không khí thanh bình, êm ả ngày cũ; bây giờ suốt ngày xe hơi, xe gắn máy…cứ chạy như ma đuổi!
   Trong thành nội cảnh tượng cũng không vui hơn. Vào cửa Thượng Tứ,đường Đinh Tiên Hoàng, chỉ 50m ,nhìn qua trái thấy một cảnh tượng rất không hài hòa! Xe tăng, đại bác v.v…được trưng bày như là một bảo tàng ngoài trời trước một một cơ sở giáo dục cũ uy nghiêm, trầm mặc và rêu phong của triều Nguyễn : Quốc Tử Giám! Và nhìn xa hơn phía sau là Đại Nội, Ngọ Môn. Bờ Nam sông Hương đâu thiếu chỗ để xây dựng một bảo tàng loại này? Và con đường này bây giờ hai bên cũng sầm uất nhà hàng, cửa tiệm như đường Mai Thúc Loan, Lê Thánh Tôn…Con đường trước cửa Hiển Nhơn, đường Đoàn Thị Điểm mà nhiều người cho là Đường Phượng Bay của nhạc sĩ họ Trịnh cũng bớt đi những cây phượng, cây muối.hai ba tiệm cà phê tổ chảng, có nơi người ta đục tường mở tiệm bán chim, bán đồ trang trí nội thất! Song song với con đường này, phía bên cửa Chương Đức, đường Lê Huân ngày xưa rất đẹp với những nhà nhỏ, vườn nhỏ bây giờ cũng nhà hàng cửa tiệm san sát may mà nhà lầu chính quyền địa phương chỉ cho xây cao một tầng!
   Thay đổi cho tốt hơn là rất tốt. Nhưng thay đổi mà phải giữ cho được bản sắc riêng của từng địa phương mới tốt. Huế không thể thay đổi như Đà Nẵng, một thành phố công nghiệp, thương mại. Nếu Huế không giữ được bản sắc của mình thì một ngày Huế sẽ là một thành phố vệ tinh của Đà Nẵng!
   May mà nhân sĩ, trí thức Huế còn nhiều, còn giữ được sự tỉnh táo trong cơn sốt thay đổi chóng mặt của cơn lốc đô thị hóa. Nếu không bờ sông Hương bây giờ đã bị xây kè cứng ngắt, khô khan và đồi Vọng Cảnh, một thắng cảnh độc đáo của Huế ở thượng nguồn sông Hương đã không còn giữ được vì đồng tiền đầu tư từ nước ngoài!


Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

VÔ CẢM !

        CẢM !


 Chuyện xảy ra cũng đã gần hai năm, định viết đã lâu nhưng so sánh câu chuyện của mình với nhiều chuyện về sự vô cảm của con người trong cộng đồng, trong xã hội bây giờ,qua báo chí, qua báo mạng, thấy chuyện của mình chỉ là “nhỏ như con thỏ” nên đâm ra ngại viết. Thế nhưng câu chuyện nhỏ đó lâu lâu lại ám trong tâm trí tôi và những khi đó tôi như đánh mất lòng tin của mình về lòng tốt, lòng tương trợ giúp đỡ những người đang cơn khó khăn,nguy biến của con người trong một xã hội ngày càng thưc dụng, chỉ biết giá trị của đồng tiền và vật chất mà quên đi những lề thói đạo đức truyền thống của Tổ Tiên như:”Thương người như thể thương thân”, đừng làm cho người điều mà mình không muốn người làm cho mình…
   Hồi đó, cháu Hê ra, cháu ngoại của tôi, mới chừng tuổi rưỡi. Một sáng tôi xách chiếc Wave chở cháu đi chơi. Chiếc xe này của tôi là xe “chuyên dụng” để phục vụ các cháu đi học, đi chơi nên trang bị thêm một cái ghế đằng trước khi các cháu còn nhỏ, thậm chí ngày nay dù Hê ra đã ngoài ba tuổi cái ghế ấy vẫn còn. Rất cẩn thận, trước khi đi tôi còn dùng một chiếc nịt bằng vải nịt hai ông cháu vào nhau. Bây giờ tôi không còn nhớ tại sao nửa đường tôi muốn dừng xe dưới bóng râm của một cây bên đường, cách một trạm dừng xe bus chừng 3m, không hơn. Đoạn đường này có một lề đường bằng đá khá cao chừng 30 cm. Tôi nghĩ khi xe sắp dừng tôi sẽ chống chân phải vào lề đường và dừng hẳn lại. Nhưng ma quỹ xui thế nào, tôi đã chống chân hụt và hai ông cháu cùng chiếc xe ngã nghiệng vào lề đường! Lúc đó, một mình tôi không đứng dậy được vì chân phải bị chiếc xe đè lên, tay phải tôi ôm cháu Hê ra sợ cháu ngã ra đất! Tôi chỉ còn mỗi tay trái để vẫy, để ngoắc và miệng thì kêu cứu để nhờ giúp đỡ! Nhưng tôi càng kêu cứu, cháu Hê ra càng sợ hãi nên la khóc càng to. Thật là xui tận mạng, hai người khách đang ngồi chờ xe bus đang nói chuyện điện thoại và không hiểu sao lại nhìn về phía tay phải của họ, nghĩa là ngược hướng xe bus sẽ đến nên không thấy hai ông cháu tôi đang cần giúp đỡ. Tôi lại nhìn sang bên kia đường vừa la vừa vẫy tay cầu xin sự giúp đỡ. Con đường Nguyễn Duy Trinh ở Q2 này nhỏ thôi, chỉ có hai chiều ngược nhau cho xe cộ lưu thông. Nhưng tôi thật thất vọng, hai nhân viên bảo vệ trước đại lý của hãng Yamaha, đồng phục đàng hoàng, đứng khoanh tay trước ngực nhìn sang hai ông cháu tôi đang nằm bên đường mà không có một cử động nhỏ! Tôi lại quay nhìn sau lưng mình để chờ mong sự giúp của những người sẽ chạy xe đến, thế nhưng phải đến người thứ ba mới dừng lại để kéo hai ông cháu chúng tôi lên! Và người này, một thanh niên, đã thốt lên một câu làm tôi mát dạ và an ủi tôi phần nào:” Bác có sao không? Bác có cần cháu đưa bác và em bé về nhà không?” Tôi cám ơn người thanh niên tốt bụng vì tôi chỉ trầy chân sơ thôi, có thể về nhà mà không cần sự giúp đỡ nào khác.
   Phải ba tháng sau “tai nạn” này cháu Hê Ra mới dám lên ngồi xe của ông ngoại và tôi cũng rất buồn vì thấy sao mà con người vô cảm trước những khổ đau, khó khăn…của đồng bào mình đến thế!!! Làm phúc, việc nghĩa trong những trường hợp này có tốn kém tiền bạc gì đâu?

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2013

CỔ HỌC TINH HOA

    

      Tuần này mình rất bận nên xin copy vào đây hai bài học xưa cũ trong Cổ Học Tinh Hoa để các bạn đọc thư giãn mà ngẫm nghĩ cũng được.


LỢI MÊ LÒNG NGƯỜI 

Nước Tống có kẻ mất cái áo thâm . Anh ta ra đường tìm . Thấy người đàn bà mặc áo thâm, níu lại đòi rằng:"Tôi vừa mất cái áo thâm, chị phải đền trả tôi cái này". Rồi cứ giữ chặt cái áo không buông ra nữa . 

Người đàn bà cãi:
"Ông mất áo thâm, tôi biết đấy là đâu ? Áo tôi mặc đây là áo của tôi, chính tôi may ra" . 

Anh kia nói:
"Chị cứ phải đền trả áo cho tôi . Cái áo thâm tôi mất dầy, cái áo thâm chị mặc mỏng . Lấy áo thâm mỏng của chị đền áo thâm dầy cho tôi, còn phải nói gì lôi thôi nữa !"

Tử Hoa Tử

CHÚ THÍCH: Nước Tống là một nước chư hầu thời Xuân Thu sau phải mất nước, bị Tề lấy mất, ở vào huyện Thượng Khưu tỉnh Hà Nam (TQ) bây giờ .


LỜI BÀN: Mất áo trong nhà mà ra đường tìm, đã là chuyện buồn cười . Mất áo đàn ông mà đòi áo đàn bà lại là chuyện buồn cười . Mất áo thâm dầy bắt đền áo thâm mỏng mà cho là phải, lại là chuyện buồn cười nữa . Ôi cái lợi nó làm cho lòng người mê muội, chỉ biết có mình, không biết có ai, chỉ vụ lợi cho mình mà quên cả phải trái . Kẻ nào đã vụ lợi như thế , thì cái gì mà chẳng dám làm , cái gì mà chả dám nói ! Than ôi ! Cái đời kim tiền bây giờ biết bao nhiêu phường đòi áo như người nói trong chuyện này .



BẮT CHƯỚC NHĂN MẶT

Nước Việt có nàng Tây Thi nổi tiếng đẹp một thời . Nàng có chứng đau bụng, mà khi nào đau, ôm bụng nhăn mặt thì lại càng đẹp lắm .

Có người đàn bà ở cùng làng thấy mặt nhăn mà đẹp, muốn bắt chước, về nhà cũng ôm bụng mà nhăn mặt . Người làng trông thấy, tưởng là ma quỷ, nhà giàu thì đóng cửa chặt không dám ra, nhà nghèo thì bồng bế vợ con mà chạy trốn .

Trang Tử


CHÚ THÍCH: Tây Thi hoặc còn gọi Tây Tử là người con gái nước Việt ở thôn Trử La, làm nghề dệt vải, cha thì bán củi . Nàng nổi tiếng đẹp, sau vua nước Việt là Câu Tiễn vì thua nước Ngô, đem nàng hiến cho vua Ngô là Phù Sai .
Trang Tử sách của Trang Chu soạn, đến đời Ðường gọi là Nam Hoa chân kinh, Trang Tử, học đạo Lão Tử, sau người ta vẫn xưng Lão Tử với Trang Tử là tổ của Ðạo Gia .

LỜI BÌNH : Chỉ biết nhăn mặt là đẹp, không biết nét mặt phải thế nào thi nhăn mặt mới đẹp, thực là đáng tiếc ! Kẻ quên phận mình, chỉ muốn bắt chước người thì có khác gì người xấu muốn bắt chước nàng Tây Thi nói trong chuyện này không ? Ôi ! Bắt chước là một cái hay, nhưng nếu không chịu suy nghĩ cứ nhắm mắt bắt chước liều, như con lừa thổi sáo, con nhái muốn to bằng con bò, thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ, chẳng những không được lợi gì mà lại thiệt đến thân .

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

MÀY ĐÂU RỒI SÓC ƠI ?

     MÀY ĐÂU RỒI SÓC ƠI


   Từ mấy năm rồi, sáng nào đứng trước sân tập thể dục tao cũng thấy mày đi về. Thoạt đầu tao cũng không để ý và cũng không biết mày là con gì! Nhưng sáng nào cũng như sáng nào,từ rất sớm, tao cũng thấy mày chạy trên bó dây cáp điện,điện thoại, cáp truyền hình với cái đuôi dài rất mượt. Quê tao không có sóc và mày là con sóc đầu tiên mà tao biết và làm quen. Từ sợi dây cáp mày lần qua mái hiên nhà tao, chạy lên nóc và sau đó nhảy lên bụi tre vào vườn cây trái sum sê của ai đó sau nhà. Tao biết, những ngày tháng đầu mày rất sợ tao vì khi thấy tao mày chạy rất nhanh và cất lên tiếng kêu “két két” mà tao rất ghét và thấy tiếng mày kêu là dỡ nhất trong các tiếng kêu của các con vật mà tao biết! Nhưng rồi ngày tháng cũng đã làm mày thấy tao là một người bạn dễ gần vì tao chưa bao giờ có một hành động hay tiếng la hét nào để xua đuổi mày hay làm mày sợ. Đôi khi trên đường đi ăn về, thấy tao, mày cũng không e dè dừng lại trên bó dây cáp và nghiêng ngó nhìn tao. Cứ thế, tao và mày quen nhau, ngày nào cũng gặp nhau và việc ai người đó làm. Chuyện đó như là một điều hiển nhiên và tao coi mày như là của tao dù tao không biết nhà mày, vợ (chồng) con mày thế nào. Tao chưa bao giờ nghĩ, một ngày nào đó, mỗi sớm mai khi tập thể dục tao sẽ không bao giờ thấy mày nữa!
   Hơn một tuần nay miếng vườn sau nhà người ta đốn hạ cây cối để đào móng xây nhà. Buổi sáng cuối cùng tụi mình còn gặp nhau và mày còn dừng lại kêu “két két” như để trêu chọc tao vì như thể mày biết tao rất ghét tiếng kêu của mày.
   Tao đâu biết đó là tiếng kêu mày giã biệt tao!
   Bây giờ tao thấy nhớ tiếng kêu dễ ghét của mày, nhớ màu lông đen với cái đuôi dài rất mượt của mày.
  Mày đâu rồi,sóc ơi?

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

VỀ MIỀN TÂY (2)

      VỀ MIỀN TÂY   (2)


   2/ CẦN THƠ.

      Rời Xẽo Quýt khi chiều vừa xế. Nắng tháng 5 nóng đến ngột ngạt đến chẳng muốn ra khỏi xe. Tuy nhiên tỉnh lộ 30 vẫn còn giữ được chút hương đồng cỏ nội: hai bên đường còn nhiều vườn xoài, vườn ổi hoặc nhãn. Trái lại Quốc lộ 1 từ Vĩnh Long về Cần Thơ đã không còn giữ được chút nào nét đẹp vườn tược, đồng ruộng cũ. Và cả một con đường dài Sài Gòn-Cần thơ cũng thế. Đi trên đường, dù cố công tìm kiếm, cũng không còn thấy đâu nữa  những cánh đồng lúa mênh mông mỏi cánh cò bay, những sớm mai sương mù trên lúa che khuất những làng mạc, vườn tược với ông mặc trời đỏ ối hay buổi chiều đi qua cánh đồng mắt thấy những cột khói đốt đồng, mũi  ngửi thấy mùi rơm cháy của bà con nông dân đang làm vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị cho một mùa lúa mới. Tất cả những cái đẹp xưa cũ đã thuộc về dĩ vãng, muốn thấy lại chỉ có cách vào sâu trong đồng vì dọc hai bên quốc lộ bây giờ nhà liên tiếp nhà, đâu cũng có cà phê võng, cháo cá miền Tây, hủ tiếu Mỹ Tho, Karaoke, nhà nghỉ…Tại sao không qui hoạch những cụm dân cư nhỉ? Không lẽ đến một ngày nhà tiếp nhà, tiệm tiếp tiệm, cà phê tiếp cà phê…dài dài không dứt từ Nam Quan cho đến Cà Mau? Xem ra cái bệnh” nhà mặt tiền” của bà con mình đã rất nặng!!!


                                                  Hồ bơi

       
                                   Bờ sông Hậu sau khu resort



   Chúng tôi đến Victoria Cần Thơ Resort khi đã chạng vạng. Vì là một chuyến đi chỉ được quyết định ở phút 89, không đăng ký khách sạn khác trước, lại nhằm ngày lễ Cần Thơ “cháy phòng” khách sạn, chúng tôi mới phải vào khu resort này. Nói thật, mình là dân hai lúa nên vào đây tự nhiên thấy mất tự tin và tiếc tiền dù mình chỉ là dân ăn theo (các bạn có thể biết qua bằng cách xem những tấm ảnh mình post ở đây).
   Ba năm xa Cần Thơ nên khi tái ngộ hết lo chuyện ở thì nghĩ đến chuyện ăn thôi! Phải là những món mà mình thích nhất: bún măng vịt, bún gỏi già, hủ tiếu xương…Không phải Sài Gòn không có nhưng không ngon bằng ở Cần Thơ.
   Bún măng vịt: ở đường Lê Thánh Tôn. Không chỗ nào ngon hơn! Chưa đến nỗi như phở quát, phở chửi ở Hà Nội nhưng thấy cảnh chen chúc ở đây mới thấy chỉ vì cái bao tử mà người ta chịu khó đến sợ! Trong cái nóng Nam bộ tháng 5, dù là buổi sáng, ăn xong tô bún rất ngon, mồ hôi mồ kê ướt đẫm cả cổ cả mặt. Thế nhưng ai đi ra khỏi tiệm cũng mặt mày phơi phới!



                                 Bún măng vịt

 Bún gỏi già: Ở khu thương mại Cái Khế, tiệm Ba Hoàng. Những sợi bún trong vắt, những con tôm đất đỏ hồng lột vỏ, những miếng ba rọi thái nhỏ…Nó gần như là bún mắm mà không phải bún mắm vì khi nấu người ta nêm bằng tương hột xay nhuyển, một ít me chỉ hơi chua chua chứ không chua như canh chua… Ước gì tôi có dịp thết bạn tô bún gỏi già, thực sự là một đặc sản của miền Tây sông nước.



                                                Bún gỏi già

   Hủ tiếu xương: ở khu Hoa Viên (đường Đề Thám). Là sợi hủ tiếu Mỹ Tho hơi dai hơn sợi hủ tiếu Sài Gòn nhưng cục xương ống to tổ chảng. Mình thích ngặm xương nên khoái món này. Nó không phải là hủ tiếu xương xí quách vì trên cục xương còn rất nhiều thịt và cục xương người ta cũng hầm chín vừa mềm để gặm chứ không hầm mềm đến mức không còn mùi vị như xương xí quách. Vừa nghe mình về Cần Thơ, bạn bè biết ý hết người này đến người kia gọi điện mời đi ăn hủ tiếu xương!



   Ôi! Đó mới là ba món điểm tâm! Còn biết bao món ngon khác mà mình ở lại chỉ có ba ngày!

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

VỀ MIỀN TÂY

VỀ MIỀN TÂY

   1/ XẼO QUÍT
    Ngày lễ vừa rồi có đến 5 ngày nghỉ, mình có dịp về lại miền Tây. Từ quốc lộ 1, đến ngã ba An Hữu vào tỉnh lộ 30 chừng 30 km, quẹo mặt vài cây số là đến khu du lịch Xẽo Quýt (XQ). Đây là khu di tích lịch sử có diện tích chừng 50 ha, trong đó có đến 20 ha là rừng tràm nguyên sinh. Xẽo Quýt thuộc 2 xã Mỹ Hiệp và Mỹ Long thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, XQ là căn cứ chiến lược để lãnh đạo nhân dân kháng chiến của tỉnh ủy Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp).


                                                  Hội trường Tỉnh ủy
   Trời nắng nhưng đi lại trong khu rừng tràm nguyên sinh XQ chẳng cần phải đội nón, thỉnh thoảng đôi chút ánh nắng chiếu qua kẻ lá nhảy múa trên những cây tràm cổ thụ, những dây leo, những con rạch…Không khí nơi này thật là mát mẻ! Ban quản lý khu di tích XQ đã phục dựng những Hội trường Tỉnh ủy, hầm tránh bom chữ A, công sự chiến đấu chữ Z…Thỉnh thoảng nơi này, nơi kia còn sót lại những hố bom cũ bây giờ đầy nước. Hai nhân viên phục vụ việc chèo 2 chiếc tam bản cho chúng tôi tham quan khu di tích ăn mặc như những người chiến sĩ du kích ngày xưa, nam quân phục xanh với mũ tai bèo; nữ mặc bà ba đen khăn rằn quanh cổ.


                                           Tham quan khu di tích Xẽo Quýt bằng xuồng ba lá
   Dù chỉ còn diện tích 50 ha, nhưng XQ còn giữ lại hàng trăm loài động và thực vật. Vì tính đa dạng sinh học này mà XQ được gọi là Đồng Tháp Mười thu nhỏ.

                    
Rừng tràm nguyên sinh rất đẹp(ảnh trên mạng)
 
   Tham quan xong khu XQ thì cũng đã mệt và mỏi chân, nhà hàng trong khu du lịch luôn sẵn sàng phục vụ du khách những đặc sản nơi này. Cá lóc nướng trui cuốn lá sen non chát chát mà chấm nước mắm me chua chua cay cay thật không còn gì bằng!
   Bạn cũng có thể gọi một đĩa chim cu đất nướng muối ớt. Những chú chim mập ú, khi nướng chín, mỡ chim tươm bóng nhẩy, chỉ nhìn đã muốn động đũa, nhưng ăn món này phải dùng tay mới ngon! Và còn nhiều món nữa…

       

                                  Cu đất nướng muối ớt (ảnh trên mạng)


                                       Cá lóc nướng trui cuốn lá sen non ( nằm giữa con cá lóc và đĩa bún)

 

            

Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

MÙA GIÓ CHƯỚNG

       MÙA GIÓ CHƯỚNG


   Chúng ta chắc ai cũng đã từng xem cuốn truyện Mùa Gió Chướng của Nguyễn Quang Sáng hay cuốn phim phóng tác cùng tên của đạo diễn Hồng Sến. Cả truyện lẫn phim đều là những tác phẩm rất hay. Nhưng ở đây tôi không làm công việc của nhà bình luận và đánh giá sách và phim ảnh, tôi chỉ nhớ về một vài đặc sản Nam Bộ trong mùa gió chướng.
   Nam bộ chỉ có hai mùa. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4. Hết mùa mưa, một sáng bất ngờ thấy gió mạnh lên lao rao trong các tán lá dừa, khóm chuối, đôi khi bụi mịt mù: gió chướng đã về. Gió chướng là gió mùa Đông Bắc ở miền Nam. Đây là tên gọi của bà con nông dân Nam bộ đối với gió mùa Đông Bắc. Khi gió chướng mạnh, triều lên, nước biển xâm nhập sâu vào các dòng sông.” Sự xâm nhập mặn là một trong những yếu tố gây trở ngại (chướng) đến sản xuất nông nghiệp, thủy hải sản và sinh hoạt của nhân dân.”
   Cuối năm, dù là đất phương Nam, nhưng Nam bộ vẫn se se lạnh. Trong vườn, dọc các bờ ruộng, kênh rạch…bông so đũa nở trắng cây. Trước hiên nhà, giàn đậu rồng trái chi chít đu đưa trong gió. Tạo hóa thật khéo sinh, khéo dưỡng! Dưới sông mùa này cũng là mùa của tôm càng xanh. Theo tôi, trong các món canh chua Nam bộ, dù mỗi món có hương vị riêng, món canh chua tôm nấu bông so đũa là ngon nhất và có vị thanh thanh rất riêng!



Bông so đũa trắng


Bông so đũa màu đỏ

   Trong một bài trước kể về miền Nam tôi đã thuật lại cho các bạn một cách bắt tôm càng xanh đặc biệt là quậy nước mương cho đục để tôm xốn mắt trồi đầu lên và người bắt chỉ cần túm râu chú chàng xách lên. Tôm bắt lên hay mua về, lớn thì lột vỏ cắt khúc, nhỏ thì chỉ cần cắt đầu đuôi rồi ướp với chút nước mắm, tiêu, hành, bột ngọt. Bông so đũa lặt bỏ những tai xanh quanh cuống và nhị vàng đầu bông. Để có vị chua có thể dùng me, xoài non, trái bần xanh. Canh chín nêm bằng một ít rau ngò om (ngũ điếc), ngò gai là cả nhà sực nức mùi thơm! Không hiểu sao tôm và bông so đũa lại rất hợp nhau. Những con tôm hồng hồng,những bông so đũa trắng ngà, vài miếng cà chua, vài lát ớt đỏ trong tô nước canh trong vắt! Nhìn và ngửi là muốn ngồi vào bàn ngay! Bông so đũa giòn sật sật, chấm một chút nước mắm ngon, mới nhai có vị nhân nhẫn nhưng sau khi trôi khỏi cổ họng để lại một cái hậu ngọt ngọt làm muốn ăn mãi! Nước canh chua tôm so đũa ngọt chua thanh thanh khác hoàn toàn canh chua cá lóc, canh chua lá giang thịt gà, canh chua rau muống cơm mẽ hay canh chua cá linh bông điên điển…



 Canh chua tôm nấu bông so đũa

   Đậu rồng ( trái đậu có 4 khía như cây xương rồng) cũng là một đặc sản Nam bộ mùa gió chướng. Đậu rồng có bông tim tím rất đẹp. Trái đậu rồng có thể dùng chấm nước cá hay thịt kho ăn với cơm. Nhưng ngon hơn ta có thể xào đậu rồng đơn giản với tỏi và ngon ngất là đậu rồng xào thịt bò! Theo một tạp chí khoa học mà tôi đã được đọc, ở một số nước Đông Nam Á người ta dùng hạt đậu rồng như hạt đậu nành và thành phần dinh dưỡng trong đậu rồng cao hơn cả đậu nành!

Giàn đậu rồng


Đậu rồng xào thịt bò