Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

MỆT MỎI

         MỆT MỎI


    Gần suốt tuần, sáng nào mình cũng điểm tâm bằng cơm tấm hay xôi gà. Khi làm biếng thì làm một tô mì ăn liền không chiên Nissin với hột gà và xúc xích. Lý do là liên tiếp cả tuấn nay báo giấy và báo mạng lên tiếng đánh động về sự nhiễm độc chất tinopal và nhiều chất tẩy và chống hư, mốc… trong bún, phở, bánh canh, hủ tiếu, bánh hỏi, bánh ướt…ở Sài Gòn. Theo báo chí, tinopal là một hóa chất công nghiệp tăng trắng quang học xử dụng trong sản xuất giấy, bột giặt; là chất bộ Y Tế cấm trong sản xuất thực phẩm. Khi đi vào cơ thể, tinopal làm loét đường tiêu hóa, suy gan, suy thận! Thế nhưng để cạnh tranh vì sản phẩm sẽ sáng, sẽ trắng, các lò sản xuất các loại thực phẩm này đã không ngần ngại thêm hóa chất công nghiệp bị cấm này vào sản phẩm. Vậy thì để cho an toàn chỉ có cơm và xôi là chắc ăn nhất!
   Nhưng miếng thịt bạn đưa vào miệng chưa chắc hội đủ điều kiện vệ sinh an toàn thưc phẩm dù miếng thịt đó bạn mua ở những nguồn cung khác nhau, có cơ quan hữu quan xác nhận là thịt sạch. Bằng chứng là Phó trạm thú y Trảng Bom , Đồng Nai, là người đã hợp thức hóa thịt lậu của con buôn bằng chính con dấu kiểm tra thú y mà y có nhiệm vụ chỉ đóng lên những miếng thịt sạch! Thậm chí con dấu đó y còn đưa cho tài xế xe chở thịt lậu muống đóng vào thịt nào thì đóng!
   Mấy hôm nay báo chí cũng đưa tin 100% thức uống đường phố ở SG này như trà chanh, nước mía… nhiễm khuẩn!
   Thế cho nên bây giờ chẳng biết sống thế nào cho an toàn. Ăn thịt, ăn rau gì cũng nhiễm hóa chất độc hại; uống cũng nhiễm bẩn dễ sinh bệnh đường ruột; ra đường dù có cẩn thận cách mấy cũng có thể bị xe đụng, hay nhẹ hơn là bị cướp, bị trấn lột…!
  
  
  

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

CÔNG DUNG NGÔN HẠNH THẾ À?



              CÔNG DUNG NGÔN HẠNH THẾ À ?


   Chân lý có nhiều giá trị cũng thay đổi theo thời gian. Dĩ nhiên không xoành xoạch đổi thay như thời trang của các Cô, các Chị ngày nay, nhưng người phụ nữ gắn với Công Dung Ngôn Hạnh thời phong kiến ở Trung Hoa và Việt Nam xưa tưởng như bất biến, qua mấy ngàn năm giờ đã thay đổi và trong một vài trường hợp nó chẳng còn chút giá trị gì. Ngày nay chẳng ai đòi hỏi Nam phải “tam cương ngũ thường” và nữ phải “tam tòng tứ đức”. Tuy nhiên, theo tôi, tứ đức đối với phụ nữ bây giờ vẫn còn nhiều giá trị vì Công Dung Ngôn Hạnh chỉ làm cho người phụ nữ đẹp càng thêm đẹp dù bây giờ là thời đại của @ và kỹ thuật số…
    Vậy “Công Dung Ngôn Hạnh” là gì? Để nhẹ nhàng cho vui tôi xin phép copy định nghĩa cà rỡn của bạn Shan Shin (trên mạng):
Ngày xưa, phụ nữ phải thực hiện "tam tòng tứ đức".
Tam tòng là "tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử" tức là khi chưa lấy chồng thì nghe theo cha, lấy chồng thì nghe theo chồng, nếu chồng chết thì nghe theo con trai.
Tứ đức là "công, dung, ngôn, hạnh":
CÔNG: giỏi làm món nhậu
DUNG: mặt mũi dễ nhìn
NGÔN: ăn nói dễ nghe
HẠNH: cấm liếc ông hàng xóm

   Kakaka…Ở đây tôi chỉ xin bàn đến tứ đức. Bạn Shan Shin đã có một định nghĩ rất buồn cười mà tôi xin trích để “thư giãn” một chút, thực tế từ đây ta có thể nôm na suy ra:
   Công: sự khéo tay của người nữ trong công việc gia đình,
   Dung: sự chăm sóc cái đẹp mặt mũi, cơ thể,
   Ngôn : lời ăn, tiếng nói dịu dàng, dễ nghe, lịch sự, lễ phép
   Hạnh : nết na, đạo đức…
   Có thể có nhiều bạn không đồng ý vì đây là những qui định đã xưa cũ, nhưng theo tôi, phụ nữ, dù ở thời đại nào cũng nên biết nấu một bữa ăn ngon cho gia đình; mặt mày xinh đẹp; ăn nói mềm mỏng,duyên dáng, dễ nghe và …không được liếc ông hàng xóm!!! Chuyện làm đẹp thì bà nào, cô nào cũng thích; ăn nói thì học cũng được, bắt chước thì cũng ngày càng khá hơn nhưng không lý khi đã có gia đình ngày nào cũng đi nhà hàng, ăn cơm tiệm; hơn  nữa khi chữ “công” đã giỏi thì dễ dàng sai bảo osin còn nếu không biết chút gì, khoán trắng cho cho họ 100% thì sẽ ngon cũng ăn,dở cũng ăn!
   Sở dĩ hôm nay tôi đề cập đến vấn đề này vì cái ông hàng xóm của tôi có cách dạy con gái mà theo tôi là rất lạ!
   Ông ta trước kia buôn phế liệu, vợ là thợ may. Hai người có cô con gái tên Thu rất xinh, năm nay là học sinh lớp 11. Ở đây xin mở một dấu ngoặc. Hồi trước ông nội của Thu, là một người thợ lao động chân tay, rất yêu vợ. Từ khi tôi về Sài Gòn (đã 8 năm) và làm hàng xóm của Ông ,thấy Ông là người đi chợ, nấu ăn, làm mọi chuyện nội trợ trong gia đình; còn bà chỉ trông coi quán cà phê cóc và trau dồi làm đẹp. Ông mất đã 5 năm vì ung thư phổi, bà cũng dẹp quán cà phê, bán đất lấy tiền gửi ngân hàng và sống trên lãi suất của món tiền đã gửi. Mọi người trong xóm và nhất là các con của bà đều cho là bà sống sung sướng, một đời luôn có người cơm dâng, nước rót mà chẳng phải động tay, động chân vất vả!
   Trở lại với cháu Thu, ngoài những giờ đi học ở trường, ở nhà cháu không học hành mà cũng chẳng làm chút việc nhà nào. Lúc nào đi ngang qua nhà cũng thấy Thu ngồi chơi games hay chat chít gì đó trên điện thoại. “Công việc” duy nhất mà ba má giao cho cháu Thu làm là đổ đầy nước các khay đá trong tủ lạnh sau khi đã lấy đá dùng. Có người trong xóm thấy vậy đã hỏi ba má cháu và bảo sao không tập cho cháu làm việc nhà cho quen tay, biết việc thì đều được họ trả lời:” Biết làm gì cho cực? Không cần biết gì hết sau này sẽ sướng, sẽ khỏi làm gì cả, sẽ có người phục vụ như bà nội của nó đó!”
   Phải vậy không? Không cần Công Dung Ngôn Hạnh gì hết!!!???

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

ÔI HUẾ CỦA TA

        ÔI HUẾ CÙA TA!


      Một buổi chiều hè năm ngoái, tôi cùng P, một người bạn rất thân, về đường Trịnh Công Sơn để “làm” vài chai Huda, một loại bia nổi tiếng ở Huế. Đây là một con đường đẹp mới mở vài năm gần đây. Đường chạy dọc theo bờ sông Hương với bãi cỏ dài xanh mướt mà bên kia là một cù lao nhỏ giữa sông nổi tiếng với món chè bắp Cồn Hến. Người ta bảo Hàn Mặc Tử làm bài thơ Đây Thôn Vỹ Dạ khi chưa đến Huế, nhưng đứng trước sông này nước này có lẽ không có câu thơ nào mô tả cảnh đẹp này hay hơn:
   Gió theo lối gió mây đường mây,
   Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay,
   Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
   Có chở trăng về kịp tối nay?
   Vừa ngồi lên ghế trên bãi cỏ mượt, bạn tôi vừa khoát tay chỉ những dãy nhà cao tầng sau những rặng cây bên kia sông bảo tôi tự hào:
  Mi coi bên tê nhà cao tầng có kém chi Sài Gòn của mi không?
  Tôi buồn bã không trả lời bạn mình. Tôi dám chắc những người con xứ Huế tha phương không ai mong đợi một sự thay đổi đánh mất mình như Huế bây giờ.
   Đồng ý là nhiều thay đổi đã làm cuộc sống của người dân tiện nghi hơn: khắp thành phố Huế, khắp tỉnh Thừa Thiên-Huế bây giờ đường bê tông nhựa chạy đến tận mỗi xã, mỗi thôn, và cùng với đường nhựa là điện, là nước sạch của Thủy cục Huế. Học sinh đi học, gần thì xe đạp, xa thì xe gắn mày; (không như tôi ngày xưa, khi còn học tiểu học chỉ toàn cuốc bộ, đường trải đá và từ nhà tới trường gần 5 km!) Và còn nhiều thứ tiện ích khác nữa…làm đời sống tiện nghi, thoải mái hơn.
   Thế nhưng quá trình đô thị hóa cũng đã làm biến dạng Huế rất nhiều làm những người con đi xa về lòng ngậm ngùi, tiếc nuối!
   Cũng trong bài thơ Đây Thôn Vỹ Dạ của thi sĩ họ Hàn:
   Sao anh không về chơi thôn Vỹ,
   Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên,
   Vườn ai mướt quá xanh như ngọc,
   Lá trúc che ngang mặt chữ điền?
  Bây giờ, con đường đi qua thôn Vỹ, suốt dọc từ Đập Đá đến Chợ Nọ và xa hơn, còn đâu nữa những hàng cau thắp nắng, còn đâu nữa những hàng tre, khóm trúc che ngang mặt chữ điền? Bây giờ hai bên đường nhà cao tầng san sát: khách sạn, nhà hàng, quán nhậu, karaoke, nhà nghỉ…Và còn đâu không khí thanh bình, êm ả ngày cũ; bây giờ suốt ngày xe hơi, xe gắn máy…cứ chạy như ma đuổi!
   Trong thành nội cảnh tượng cũng không vui hơn. Vào cửa Thượng Tứ,đường Đinh Tiên Hoàng, chỉ 50m ,nhìn qua trái thấy một cảnh tượng rất không hài hòa! Xe tăng, đại bác v.v…được trưng bày như là một bảo tàng ngoài trời trước một một cơ sở giáo dục cũ uy nghiêm, trầm mặc và rêu phong của triều Nguyễn : Quốc Tử Giám! Và nhìn xa hơn phía sau là Đại Nội, Ngọ Môn. Bờ Nam sông Hương đâu thiếu chỗ để xây dựng một bảo tàng loại này? Và con đường này bây giờ hai bên cũng sầm uất nhà hàng, cửa tiệm như đường Mai Thúc Loan, Lê Thánh Tôn…Con đường trước cửa Hiển Nhơn, đường Đoàn Thị Điểm mà nhiều người cho là Đường Phượng Bay của nhạc sĩ họ Trịnh cũng bớt đi những cây phượng, cây muối.hai ba tiệm cà phê tổ chảng, có nơi người ta đục tường mở tiệm bán chim, bán đồ trang trí nội thất! Song song với con đường này, phía bên cửa Chương Đức, đường Lê Huân ngày xưa rất đẹp với những nhà nhỏ, vườn nhỏ bây giờ cũng nhà hàng cửa tiệm san sát may mà nhà lầu chính quyền địa phương chỉ cho xây cao một tầng!
   Thay đổi cho tốt hơn là rất tốt. Nhưng thay đổi mà phải giữ cho được bản sắc riêng của từng địa phương mới tốt. Huế không thể thay đổi như Đà Nẵng, một thành phố công nghiệp, thương mại. Nếu Huế không giữ được bản sắc của mình thì một ngày Huế sẽ là một thành phố vệ tinh của Đà Nẵng!
   May mà nhân sĩ, trí thức Huế còn nhiều, còn giữ được sự tỉnh táo trong cơn sốt thay đổi chóng mặt của cơn lốc đô thị hóa. Nếu không bờ sông Hương bây giờ đã bị xây kè cứng ngắt, khô khan và đồi Vọng Cảnh, một thắng cảnh độc đáo của Huế ở thượng nguồn sông Hương đã không còn giữ được vì đồng tiền đầu tư từ nước ngoài!