Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

MÀY ĐÂU RỒI SÓC ƠI ?

     MÀY ĐÂU RỒI SÓC ƠI


   Từ mấy năm rồi, sáng nào đứng trước sân tập thể dục tao cũng thấy mày đi về. Thoạt đầu tao cũng không để ý và cũng không biết mày là con gì! Nhưng sáng nào cũng như sáng nào,từ rất sớm, tao cũng thấy mày chạy trên bó dây cáp điện,điện thoại, cáp truyền hình với cái đuôi dài rất mượt. Quê tao không có sóc và mày là con sóc đầu tiên mà tao biết và làm quen. Từ sợi dây cáp mày lần qua mái hiên nhà tao, chạy lên nóc và sau đó nhảy lên bụi tre vào vườn cây trái sum sê của ai đó sau nhà. Tao biết, những ngày tháng đầu mày rất sợ tao vì khi thấy tao mày chạy rất nhanh và cất lên tiếng kêu “két két” mà tao rất ghét và thấy tiếng mày kêu là dỡ nhất trong các tiếng kêu của các con vật mà tao biết! Nhưng rồi ngày tháng cũng đã làm mày thấy tao là một người bạn dễ gần vì tao chưa bao giờ có một hành động hay tiếng la hét nào để xua đuổi mày hay làm mày sợ. Đôi khi trên đường đi ăn về, thấy tao, mày cũng không e dè dừng lại trên bó dây cáp và nghiêng ngó nhìn tao. Cứ thế, tao và mày quen nhau, ngày nào cũng gặp nhau và việc ai người đó làm. Chuyện đó như là một điều hiển nhiên và tao coi mày như là của tao dù tao không biết nhà mày, vợ (chồng) con mày thế nào. Tao chưa bao giờ nghĩ, một ngày nào đó, mỗi sớm mai khi tập thể dục tao sẽ không bao giờ thấy mày nữa!
   Hơn một tuần nay miếng vườn sau nhà người ta đốn hạ cây cối để đào móng xây nhà. Buổi sáng cuối cùng tụi mình còn gặp nhau và mày còn dừng lại kêu “két két” như để trêu chọc tao vì như thể mày biết tao rất ghét tiếng kêu của mày.
   Tao đâu biết đó là tiếng kêu mày giã biệt tao!
   Bây giờ tao thấy nhớ tiếng kêu dễ ghét của mày, nhớ màu lông đen với cái đuôi dài rất mượt của mày.
  Mày đâu rồi,sóc ơi?

Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

VỀ MIỀN TÂY (2)

      VỀ MIỀN TÂY   (2)


   2/ CẦN THƠ.

      Rời Xẽo Quýt khi chiều vừa xế. Nắng tháng 5 nóng đến ngột ngạt đến chẳng muốn ra khỏi xe. Tuy nhiên tỉnh lộ 30 vẫn còn giữ được chút hương đồng cỏ nội: hai bên đường còn nhiều vườn xoài, vườn ổi hoặc nhãn. Trái lại Quốc lộ 1 từ Vĩnh Long về Cần Thơ đã không còn giữ được chút nào nét đẹp vườn tược, đồng ruộng cũ. Và cả một con đường dài Sài Gòn-Cần thơ cũng thế. Đi trên đường, dù cố công tìm kiếm, cũng không còn thấy đâu nữa  những cánh đồng lúa mênh mông mỏi cánh cò bay, những sớm mai sương mù trên lúa che khuất những làng mạc, vườn tược với ông mặc trời đỏ ối hay buổi chiều đi qua cánh đồng mắt thấy những cột khói đốt đồng, mũi  ngửi thấy mùi rơm cháy của bà con nông dân đang làm vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị cho một mùa lúa mới. Tất cả những cái đẹp xưa cũ đã thuộc về dĩ vãng, muốn thấy lại chỉ có cách vào sâu trong đồng vì dọc hai bên quốc lộ bây giờ nhà liên tiếp nhà, đâu cũng có cà phê võng, cháo cá miền Tây, hủ tiếu Mỹ Tho, Karaoke, nhà nghỉ…Tại sao không qui hoạch những cụm dân cư nhỉ? Không lẽ đến một ngày nhà tiếp nhà, tiệm tiếp tiệm, cà phê tiếp cà phê…dài dài không dứt từ Nam Quan cho đến Cà Mau? Xem ra cái bệnh” nhà mặt tiền” của bà con mình đã rất nặng!!!


                                                  Hồ bơi

       
                                   Bờ sông Hậu sau khu resort



   Chúng tôi đến Victoria Cần Thơ Resort khi đã chạng vạng. Vì là một chuyến đi chỉ được quyết định ở phút 89, không đăng ký khách sạn khác trước, lại nhằm ngày lễ Cần Thơ “cháy phòng” khách sạn, chúng tôi mới phải vào khu resort này. Nói thật, mình là dân hai lúa nên vào đây tự nhiên thấy mất tự tin và tiếc tiền dù mình chỉ là dân ăn theo (các bạn có thể biết qua bằng cách xem những tấm ảnh mình post ở đây).
   Ba năm xa Cần Thơ nên khi tái ngộ hết lo chuyện ở thì nghĩ đến chuyện ăn thôi! Phải là những món mà mình thích nhất: bún măng vịt, bún gỏi già, hủ tiếu xương…Không phải Sài Gòn không có nhưng không ngon bằng ở Cần Thơ.
   Bún măng vịt: ở đường Lê Thánh Tôn. Không chỗ nào ngon hơn! Chưa đến nỗi như phở quát, phở chửi ở Hà Nội nhưng thấy cảnh chen chúc ở đây mới thấy chỉ vì cái bao tử mà người ta chịu khó đến sợ! Trong cái nóng Nam bộ tháng 5, dù là buổi sáng, ăn xong tô bún rất ngon, mồ hôi mồ kê ướt đẫm cả cổ cả mặt. Thế nhưng ai đi ra khỏi tiệm cũng mặt mày phơi phới!



                                 Bún măng vịt

 Bún gỏi già: Ở khu thương mại Cái Khế, tiệm Ba Hoàng. Những sợi bún trong vắt, những con tôm đất đỏ hồng lột vỏ, những miếng ba rọi thái nhỏ…Nó gần như là bún mắm mà không phải bún mắm vì khi nấu người ta nêm bằng tương hột xay nhuyển, một ít me chỉ hơi chua chua chứ không chua như canh chua… Ước gì tôi có dịp thết bạn tô bún gỏi già, thực sự là một đặc sản của miền Tây sông nước.



                                                Bún gỏi già

   Hủ tiếu xương: ở khu Hoa Viên (đường Đề Thám). Là sợi hủ tiếu Mỹ Tho hơi dai hơn sợi hủ tiếu Sài Gòn nhưng cục xương ống to tổ chảng. Mình thích ngặm xương nên khoái món này. Nó không phải là hủ tiếu xương xí quách vì trên cục xương còn rất nhiều thịt và cục xương người ta cũng hầm chín vừa mềm để gặm chứ không hầm mềm đến mức không còn mùi vị như xương xí quách. Vừa nghe mình về Cần Thơ, bạn bè biết ý hết người này đến người kia gọi điện mời đi ăn hủ tiếu xương!



   Ôi! Đó mới là ba món điểm tâm! Còn biết bao món ngon khác mà mình ở lại chỉ có ba ngày!

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

VỀ MIỀN TÂY

VỀ MIỀN TÂY

   1/ XẼO QUÍT
    Ngày lễ vừa rồi có đến 5 ngày nghỉ, mình có dịp về lại miền Tây. Từ quốc lộ 1, đến ngã ba An Hữu vào tỉnh lộ 30 chừng 30 km, quẹo mặt vài cây số là đến khu du lịch Xẽo Quýt (XQ). Đây là khu di tích lịch sử có diện tích chừng 50 ha, trong đó có đến 20 ha là rừng tràm nguyên sinh. Xẽo Quýt thuộc 2 xã Mỹ Hiệp và Mỹ Long thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, XQ là căn cứ chiến lược để lãnh đạo nhân dân kháng chiến của tỉnh ủy Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp).


                                                  Hội trường Tỉnh ủy
   Trời nắng nhưng đi lại trong khu rừng tràm nguyên sinh XQ chẳng cần phải đội nón, thỉnh thoảng đôi chút ánh nắng chiếu qua kẻ lá nhảy múa trên những cây tràm cổ thụ, những dây leo, những con rạch…Không khí nơi này thật là mát mẻ! Ban quản lý khu di tích XQ đã phục dựng những Hội trường Tỉnh ủy, hầm tránh bom chữ A, công sự chiến đấu chữ Z…Thỉnh thoảng nơi này, nơi kia còn sót lại những hố bom cũ bây giờ đầy nước. Hai nhân viên phục vụ việc chèo 2 chiếc tam bản cho chúng tôi tham quan khu di tích ăn mặc như những người chiến sĩ du kích ngày xưa, nam quân phục xanh với mũ tai bèo; nữ mặc bà ba đen khăn rằn quanh cổ.


                                           Tham quan khu di tích Xẽo Quýt bằng xuồng ba lá
   Dù chỉ còn diện tích 50 ha, nhưng XQ còn giữ lại hàng trăm loài động và thực vật. Vì tính đa dạng sinh học này mà XQ được gọi là Đồng Tháp Mười thu nhỏ.

                    
Rừng tràm nguyên sinh rất đẹp(ảnh trên mạng)
 
   Tham quan xong khu XQ thì cũng đã mệt và mỏi chân, nhà hàng trong khu du lịch luôn sẵn sàng phục vụ du khách những đặc sản nơi này. Cá lóc nướng trui cuốn lá sen non chát chát mà chấm nước mắm me chua chua cay cay thật không còn gì bằng!
   Bạn cũng có thể gọi một đĩa chim cu đất nướng muối ớt. Những chú chim mập ú, khi nướng chín, mỡ chim tươm bóng nhẩy, chỉ nhìn đã muốn động đũa, nhưng ăn món này phải dùng tay mới ngon! Và còn nhiều món nữa…

       

                                  Cu đất nướng muối ớt (ảnh trên mạng)


                                       Cá lóc nướng trui cuốn lá sen non ( nằm giữa con cá lóc và đĩa bún)