Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

TÔI ĐI HỌC (tt)

        TÔI ĐI HỌC    (tt)


   Mùa hè năm lớp Ba tôi phải xa trường Thượng Tứ vì Cậu Mợ tôi (Ba Mẹ) thất bại trong kinh doanh, cả gia đình,  trừ Cậu tôi, phải trở về quê cũ. Vậy là  chiều chiều tôi không còn được vào Ba Viên nhổ me đất cho mẹ nấu canh chua; không còn cùng các bạn đá banh 4 gôn trên nhà bát giác;  vào mùa hè, ban đêm, không còn được cùng chúng bạn chia phe chơi đánh trận giả; không còn  mỗi sáng mùa thu, thật sớm, chạy lên đường Đoàn Thị Điểm nhặt những bông phượng rơi, chưa nở, về  lấy các nhị đực đá gà cùng chúng bạn; không còn thứ bảy hay chủ nhật lê la ở các rạp chiếu phim Tân Tân, Châu Tinh…để xin các tờ programme tường thuật các truyện phim về làm sưu tập; không còn mỗi sáng chủ nhật sinh hoạt Hướng Đạo trong khuông viên Tam Tòa thuộc bầy An Tiêm của Anh A-kê-la Hà Thúc Tuân. Phải 4 năm sau, khi lên lớp Đệ Ngũ (lớp 8 bây giờ) tôi mới trở lại Huế, trở lại trường Bồ Đề, từng ngày, từng giờ sống với nó dù chẳng còn mấy bạn xưa, thầy cũ.
   Nhưng miền quê đã nhanh chóng cuốn lấy một thằng bé thành thị yếu ớt , ngu ngơ và vô dụng là tôi. Chỉ có cái học là tôi hơn những đứa bạn cùng lứa tuổi còn trong thực tế cuộc sống nông thôn, ruộng rẫy tôi chẳng biết gì cả! Cuộc sống ở thôn làng tuy thiếu thốn, nghèo khó như không điện, không nước máy, không xi-nê, không xe hơi và ít xe đạp…nhưng nó lại có nhiều thứ hấp dẫn rất nhiều một thằng con nít tiểu học. Quả thật tôi đã từng thèm thuồng những kỹ năng sống của một thắng bé nhà quê! Đơn giản như nó có thể leo và cởi một con trâu, nằm trên lưng trâu, đua trâu nhưng tôi thì không biết làm gì với nó và chỉ còn biết đứng từ xa mà nhìn vì…sợ trâu! Một thằng bé nhà quê có thể trèo cây bắt tổ chim; bơi lội, cút bắt dưới sông; ra ruộng đắp đập tát nước bắt cá, ra sông câu cá, chèo ghe…và biết bao điều hấp dẫn khác! Một thằng bé thành thị biết làm gì bây giờ? Bởi vậy hồi đó tôi đã thấy thích bài hát của Phạm Duy: “Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ…”! Ở quê tôi người lớn hay nhát (dọa) trẻ con:” Mày mà nhát học (làm biếng học) thì cho mày đi chự (giữ) trâu!”. Nhưng ngay mùa hè đâu tiên tôi đã thích đi chự trâu hơn đi học!
   Cuối hè, Mẹ tôi xin cho tôi vào học trường Hải Diên Thanh và để tiện xếp lớp Ông Hiệu trưởng bắt tôi phải thi vào lớp dù chỉ có chưa tới mươi học sinh chuyển trường. Kết quả, tôi xếp thứ 2. Chị Điệp cũng thi vào lớp Nhì như tôi nhưng hơn tôi một điểm và xếp thứ nhất. Nhưng tôi chẳng buồn tí nào vì chị lớn tuổi hơn tôi nhiều, đã có mông có ngực, có dáng của một thiếu nữ đã trưởng thành. Quả thực, chị Điệp chỉ học chung với tôi một năm lớp nhì và nửa năm lớp nhất là có người đi cưới chị! Chắc ngày chị Điệp đi lấy chồng lớp tôi chẳng có ai buồn vì thất tình. Còn tôi chắc chắn là không.
  
    

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

MILA CỦA TÔI

       MILA CỦA TÔI

   
   Mila là con chó lông xù giống Nhật tôi nuôi đã 14 hay 15 năm. Với giống chó ở cái tuổi đó là rất già, nhưng Mila của tôi nhìn thì chẳng già chút nào. Nó chỉ kén ăn hơn xưa nhưng lông lá vẫn xù   và mập. Nó là chó đực lại đẹp mã nên mấy đứa con trong nhà gọi nó là Chàng Đẹp Trai!  Vì thỉnh thoảng cũng gọi nó bằng cái tên này nên gọi nó bằng name hay nickname nó đều hiểu. Để tôi kể bạn nghe sơ sơ về cái Sơ yếu Lý Lịch của nó cho có trước có sau và như thế bạn sẽ hiểu tình cảm mà các thành viên gia đình tôi dành cho nó.
   Tôi mua Milu, mẹ Mila, giá 350 000đồng (thời giá 19 năm trước) ở sau công viên Lưu Hữu Phước, Cần Thơ, khi nó còn bé tí, mới biết ăn. Một năm sau Milu đẻ được 5 con. Chủ chó giống được ưu tiên bắt trước một con đẹp nhất, em trai tôi xin một con đem về Cao Lãnh, còn ba con Mina (chị Hai), Minu (anh Tư) và Mila (em Út) ba đứa con tôi cương quyết giữ lại, mỗi đứa một con, không chịu cho ai. Mina, mập, lông trắng điểm ít vàng, giống mẹ Milu là rất hiền và dễ ăn, cho gì ăn nấy và cũng có các tài lẻ của mẹ là biết đứng thẳng trên hai chân sau còn hai “tay” thì lạy lia lịa hoặc biết chạy tha về một đồ vật mà chủ ném ra xa. Minu lông đốm trắng vàng, rất dữ, đuôi trắng luôn cuốn lại làm thành một bành lông trắng rất đẹp, miệng hơi hô, mũi hay hước lên nhăn nhăn nên mấy đứa con tôi đặt cho nó cái tên Thằng Khinh Đời. Mila có lông vàng tuyền và dù là giống chó xù Nhật nhưng to con, kén ăn và nhát gan, hể bị la rầy (kể cả la rầy những con khác)là nó run rẩy chun vào trốn ở các góc khuất trong nhà. Theo thời gian chỉ còn Mila còn sống đến hôm nay, mẹ và các anh chị của nó đều lần lượt bệnh chết.
   Sáng nào cũng vậy, khi điện thoại báo 5 giờ kém 15 là tôi thức dậy ra đầu hẻm tập thể dục và như thường lệ luôn có Mila đi theo. Chó nuôi nhốt trong nhà nên Mila rất thích theo tôi sáng chiều đi bộ hay tập thể dục; hơn nữa nó cũng nhân dịp đó mà vệ sinh cá nhân. Tôi đứng tập trên hè phố, Mila thường đi loanh quanh gần tôi. Sáng nay khi tôi đang bắt đầu tập động tác thứ ba, Mila đứng dưới đường trước mặt tôi cách chừng ngoài 2m. Bổng có tiếng xe gắn máy tay ga chạy đến rất nhanh rồi nghe “ít” một tiếng nhỏ và bóng Mila chạy rất nhanh đằng sau chiếc xe gắn máy. Thoạt đầu tôi nghĩ sao Mila hôm nay dữ thế, dám  rượt theo người ta đòi cắn! Nhìn lại, thấy Mila càng lúc chạy càng gần đằng sau chiếc xe gắn máy, hai chân trước duỗi thẳng ra đằng trước, phía sau đuôi thì thấp hẳn xuống không giống động tác chạy của mấy chú cẩu. Trong một thoáng tôi hiểu chuyện gì đã xẩy ra, bước theo được ba bước và ú ớ “Ê,ê”. Nhìn theo chỉ còn thấy người ngồi sau xe gắn máy quay mặt lui nhìn tôi và bóng Mila vẫn lê lết dưới đất.
   Tôi viết những dòng này sau khi mất Mila và hãy còn xúc động vì cái chết bất ngờ và đau đớn của nó. Và tôi hiểu được tại sao thời gian gần đây báo chí lên tiếng về tình trạng bà con miền ngoài hay đánh chết kẻ trộm chó. Tôi thương Mila nhưng không phải kiểu thương của người thuê Thầy tu tụng kinh cầu siêu cho chó; tôi nuôi Mila dĩ nhiên không phải để thịt hay như một tài sản nhỏ để dành khi khó khăn. Tôi và các con trong nhà coi nó là một con thú cưng vậy thôi. Tuổi già nuôi chó, nuôi mèo, nuôi chim, nuôi cá…cũng chỉ để cho có việc mà làm vì thời gian rãnh quá nhiều và để khỏi stress. Bà con bức xúc vì mất, có thể coi như, một thành phần trong gia đình hay một tài sản, nhưng dù sao chó vẫn là chó, và chỉ vì con chó mà đánh chết người là chuyện không phải, không nên chút nào. Trường hợp tôi mất Mila sáng nay, theo tôi, không phải là bị trộm như người ta và báo chí thường gọi. Phải gọi là bị cướp mới đúng. Và theo tôi, nếu Nhà Nước không có cách quản lý thích hợp thì máu của kẻ trộm, cướp chó và kể cả máu của người nuôi chó còn chảy (đã xẩy ra và biết đâu nếu sáng nay tôi phát hiện sớm, chạy theo để cứu Mila tôi đã có thể ăn đạn súng hoa cải?). Tôi nghĩ Nhà Nước phải tìm cách quản lý đầu vào của các tiệm kinh doanh cửa hàng ăn uống dù là Phở, Bún…và kể cả những tiệm “A, Đây Rồi”,”Cờ Tây”,”Tiểu Hổ” thì mới mong hạn chế dần và lần hồi đi đến chấm dứt những cái chết vô ích và vô lý liên quan đến con chó.
Vậy là từ nay mỗi sáng chiều không còn Mila lửng thửng theo bước chân tôi đi tập thể dục, hay mỗi ngày khi tôi đi đâu về không còn nó đứng chờ tôi ở cổng rào, chào đón tôi với cái đuôi vẫy lia lịa, miệng thì kêu ăng ẳng khe khẻ.
MILA. RIP.

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

TÔI ĐI HỌC

           TÔI ĐI HỌC   (1)


    “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc,…” Có lẽ nhiều người trong chúng ta thuộc lòng hay ít nhất đã đọc qua đoạn văn rất hay này của Thanh Tịnh. Những kỷ niệm trong sáng của buổi đầu tiên đi học được tác giả ghi lại đã làm say mê biết bao con tim nhỏ bé của những học sinh cuối cấp tiểu học của thế hệ chúng tôi hơn 50 năm trước. Những bài học thuộc lòng ở cấp tiểu học thường là những bài thơ hay có tác dụng giáo dục tình cảm, đạo đức, nhưng đoạn văn trong truyện ngắn Tôi Đi Học này của Thanh Tịnh, dù là văn xuôi, nhưng hay đến nỗi tôi thấy nó được chọn trong nhiều sách giáo khoa của nhiều thế hệ học sinh khác nhau. Sau hàng nửa thế kỷ, bây giờ nhắm mắt lại tôi vẫn có thể đọc thuộc lòng đoạn văn ngày xưa đã học và vẫn thấy con tim mình rung động như ngày mới học. Thế mới thấy được hiệu quả, tác dụng lâu dài và bền bỉ của giáo dục.
   Xin lỗi các bạn tôi vào đề có hơi bị dông dài, luộm thuộm nhưng vì mỗi khi nghĩ đến ba chữ “tôi đi học” tôi lại nhớ đến đoạn văn đã học ngày xưa. Vậy , ngày xưa tôi đi học thế nào?
   Năm năm tiểu học tôi đã phải học qua ba trường khác nhau. Hồi đó nhà chúng tôi ở đường Đinh Tiên Hoàng bây giờ, đối diện với vườn hoa Ba Viên, và tôi học lớp Năm (lớp một) ở trường Bồ Đề Thành Nội, Huế ( Trường Quang Trung bây giờ ?). Đây là một trường tư thục thuộc Giáo Hội Phật Giáo và học phí bao nhiêu tôi không nhớ nhưng chắc không nhiều.Tôi chẳng còn nhớ gì nhiều giai đoạn này, chỉ nhớ mình học trong những phòng học lợp tôn, vách tôn và có một cô chủ nhiệm tên C. rất “hắc”. Cô là vợ của thầy TTDT dạy trung học cùng trường. Trên bàn cô khi nào cũng có trên mười cây thước. Thước kẻ ngày xưa luôn làm bằng gỗ dài chừng 20 đến 30cm tiết diện vuông cạnh 01cm. Cô dùng những cây thước này để ném những học sinh nói chuyện trong lớp và cô ném rất hay, nhưng thỉnh thoảng cũng trật mục tiêu! Vì vậy khi những cây thước gỗ “đi lạc”văng vào vách tôn lại kêu ầm, ầm! Tôi cũng đã mấy lần “ăn” những cây thước này vì ham nói chuyện! Sau này học sư phạm, ra trường đi dạy, tôi không hiểu nỗi tại sao ngày đó Cô lại có phương pháp quản lý lớp kỳ lạ như vậy?
      Hai năm học kế tiếp Ba tôi xin cho tôi vào học trường tiểu học công lập Thượng Tứ,lý do: để khỏi phải đóng học phí hằng tháng và để được gần nhà hơn vì lúc này gia đình chúng tôi đã chuyển về ở đường Tống Duy Tân: nhà cách trường chừng vài trăm thước, chỉ phải đi qua cửa Thượng Tứ. Tôi cũng không nhớ gì nhiều về ngôi trường mới. Một điều còn nhớ là ngày hai lần khi đi học và lúc tan trường, khi nào cũng phải đi qua tiệm bánh khoái (tương tự như bánh xèo nhưng nhỏ hơn) Lạc Thiện nổi tiếng ở Huế! Nhất là khi tan trường vì lúc này sau buổi học, bụng đã đói mà mùi chiên bánh cứ thơm sực nức trong không khí! Điều còn nhớ thứ hai là nhà Mụ Cai (Vợ người Cai trường = Bảo vệ trường bây giờ) ở cạnh Lớp Ba tôi học thỉnh thoảng trong giờ ra chơi có bán bánh bột lọc (bánh quai vạc) rất ngon! Những cái bánh bột lọc trong vắt nhìn rõ cả con tôm đỏ và miếng thịt trắng bên trong! Và đặc biệt là đôi khi được ăn miễn phí vì chỉ một mình mụ Cai bán bánh nhưng có hằng chục đứa học trò ranh ma vây quanh, chìa tay trước mắt mụ dù có tiền hay không. Một mình mụ nên chắc đôi khi cũng “hoa mắt”, không biết đứa nào đã trả tiền, đứa nào không nên mụ thấy có tay chìa ra là đặt vào đó chén bánh có nước mắm đàng hoàng! Vị ngon của những chén bánh ngày xưa sao bây giờ vẫn thấy như còn nằm trong miệng!
 Một điều còn nhớ thứ ba, trước khi đi học, tôi cố năn nỉ mẹ để xin một đồng quà vặt. Vâng, ngày đó đi học chỉ xin một đồng thôi. Vì 5 đồng là giá của một tô bún bò có cái giò heo ngon lành! Có một đồng lận lưng đi học là rất sung sướng! Tuy vậy đến trường dù thèm bánh kẹo cỡ nào cũng cố nhịn để dành tiền khi về ghé vào trường Trần Quốc Toản. Trước cổng trường này, sát hàng rào, có một cây nhãn rất lớn bên dưới có một xe bán xi rô, nước ngọt của một ông già hói đầu và bán xi rô rất ngon! Mỗi chiều đi học về, khi có tiền, ghé vào thưởng thức một ly xy rô màu đỏ, có nhiều hạt é và những sợi xu xoa (rau câu) mát lạnh thật sướng hơn tiên!